Nhật Bản có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục trong ngân sách bổ sung dự kiến sẽ được công bố cùng với gói kích thích kinh tế vào ngày 19/11, khi cựu thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi nâng hợp tác quốc phòng với đồng minh Australia lên “cấp độ mới”, theo Reuters.
Diễn biến này xuất hiện giữa lúc Nhật Bản và các đồng minh phương Tây bao gồm Mỹ, Anh và Australia ứng phó với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật Bản dự tính phân bổ hơn 700 tỷ yên (6,12 tỷ đô la) cho quốc phòng trong ngân sách bổ sung, một phần của gói kích thích kinh tế sẽ được chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida công bố vào ngày 19/11, theo hai nguồn tin giấu tên từ chính phủ và liên minh cầm quyền vì kế hoạch không được công khai.
Số tiền này sẽ tăng khoảng 50% so với mức chi tiêu cao được ghi nhận trước đó vào năm tài chính 2018, xét về chi tiêu quốc phòng hàng năm được phân bổ trong ngân sách bổ sung, nhật báo kinh doanh Nikkei cho biết.
Một phần chi tiêu quốc phòng trong ngân sách bổ sung này sẽ được dành cho máy bay tuần tra, máy bay vận tải và mìn, các nguồn tin cho biết thêm.
Việc phân bổ ngân sách bổ sung có khả năng đưa tổng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính tính đến tháng 3 năm 2022 của Nhật Bản lên hơn 6 nghìn tỷ yên, vì ngân sách quốc phòng ban đầu là 5,34 nghìn tỷ yên.
Lâu nay Nhật Bản cam kết giữ ngân sách quân sự của mình ở mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), con số nhằm giảm bớt lo ngại trong và ngoài nước về bất kỳ sự hồi sinh nào của chủ nghĩa quân phiệt đã khiến nước nào bước vào Đệ nhị Thế chiến.
Nhưng nay với lo ngại ngày càng tăng về quân đội Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đang trong vòng tranh chấp, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đưa ra mục tiêu chi 2% GDP trở lên cho quân đội trong cương lĩnh chính sách của mình trước cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 31/10.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn có tiền cho một chiến đấu cơ tàng hình nội địa và tên lửa có thể bay xa hơn 1.000 km, trong khi nước này cũng đang xây dựng khả năng về chiến tranh mạng, không gian và điện từ.
Nhật Bản cũng đang hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ với các đồng minh và các quốc gia thân hữu như Australia, quan điểm mà cựu Thủ tướng Abe - người đã từ chức năm ngoái nhưng vẫn có ảnh hưởng trong LDP - đưa ra hôm 19/11 khi tham gia một hội thảo trực tuyến do một tổ chức tư vấn của Australia tổ chức.
Ông Abe nói Nhật Bản nên hợp tác với các đối tác an ninh của AUKUS, là Hoa Kỳ, Anh và Úc, về trí tuệ nhân tạo, năng lực mạng và công nghệ lượng tử.
Hiệp ước AUKUS được nhiều người coi là một phản ứng đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.