Trước nhiệm vụ khó khăn là giữ an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, một số nhân viên y tế giám sát các địa điểm tổ chức Olympics Tokyo lên tiếng kêu gọi ban tổ chức cấm khán giả tới xem thi đấu vì nguy cơ tăng mạnh các ca nhiễm COVID-19.
Sớm nhất là vào ngày 21/6, ban tổ chức sẽ quyết định liệu họ có cho phép khán giả trong nước tới các sân vận động tổ chức Thế vận hội hay không.
Olympics Tokyo đã bị trì hoãn một năm do đại dịch và sẽ khai mạc sau khoảng một tháng. Khán giả nước ngoài đã bị cấm.
Chủ tịch ủy ban Olympics Tokyo 2020 hiện nhắm tới mức 10.000 người tại mỗi địa điểm, trong khi khi các chuyên gia y tế của chính phủ cảnh báo việc cho phép khán giả tới xem trực tiếp.
Sự phản đối kịch liệt của công chúng đối với Thế vận hội đã giảm bớt phần nào, nhưng một cuộc thăm dò hôm 18/6 của trang tin Jiji cho thấy 41% công chúng vẫn muốn Thế vận hội bị hủy bỏ. Cuộc thăm dò cho thấy nếu Thế vận hội diễn ra, 64% công chúng không muốn có khán giả tới xem.
Tất cả 42 địa điểm đều có một quan chức chuyên trách các dịch vụ y tế. Hàng chục nhân viên y tế kỳ cựu được chỉ định để xử lý các vấn đề từ cảm nắng đến chấn thương cũng như các vấn đề thiên tai như động đất và bão.
Với lễ khai mạc được ấn định vào ngày 23 tháng Bảy, Shoji Yokobori, nhân viên y tế của địa điểm tổ chức cử tạ, cho biết ông lo sợ vì không biết có bao nhiêu người tham dự.
Ông Yokobori, người đứng đầu khoa cấp cứu và chăm sóc [bệnh nhân] nguy kịch thuộc Bệnh viện Trường Y Nippon ở Tokyo, cho biết: "Kịch bản 'không có khán giả' tốt hơn các lựa chọn khác. Chúng ta có thể vẫn có một đại dịch nghiêm trọng vào mùa hè này".
"Tôi là người đảm trách địa điểm. Số lượng khán giả là mối quan tâm lớn nhất của tôi. Tôi hy vọng sẽ không có quá nhiều khán giả", ông nói.
Ông Yokobori và hai nhân viên y tế khác nói với Reuters rằng đại dịch gây thêm căng thẳng cho công việc vốn đã hết sức bận rộn, đòi hỏi phải ra quyết định nhanh chóng và đánh giá rủi ro tại chỗ.