Một số người Việt ở Mỹ đang trông chờ vào gói cứu trợ của chính quyền để họ có thể cầm cự được trong mùa dịch COVID-19 mong muốn chính quyền nhanh chóng dập tắt dịch bệnh để đi làm trở lại hơn là tiếp tục nhận tiền cứu trợ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn gói cứu nguy kinh tế trị giá 2.200 tỷ đô la sau khi gói tiền này đã được lưỡng viện Quốc hội nhất trí. Trong số đó có 250 tỷ đô la sẽ được rót trực tiếp vào hầu bao của người thọ thuế ở Mỹ để họ có tiền chi tiêu sau khi công việc và thu nhập bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19.
Cá nhân có thu nhập ít hơn 75.000 đô la một năm sẽ được nhận khoản cứu trợ 1.200 đô la. Cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 đô la một năm sẽ được nhận tới 2.400 đô la hỗ trợ. Ai có con nhỏ chưa đến tuổi trưởng thành sẽ được nhận thêm 500 đô la cho mỗi đứa con.
Ngoài ra, gói cứu trợ còn dành riêng 260 tỷ đô la để tăng tiền trợ cấp thất nghiệp và kéo dài thời gian được lãnh trợ cấp cho người thất nghiệp. Số liệu mới nhất cho thấy con số nộp hồ sơ khai thất nghiệp ở Mỹ đã tăng vọt lên đến mức kỷ lục gần 3,3 triệu người.
‘Không còn tiền chi trả’
Trao đổi với VOA, bà Nhẫn Phan, 55 tuổi, hiện đang kiếm sống bằng nghề làm móng tay tại thành phố Raleigh, tiểu bang North Carolina, cho biết bà ‘đang rất khó khăn’ và ‘rất mong chờ được nhận khoản trợ cấp này’.
Bà nói kể từ khi thống đốc bang ra lệnh đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu thì bà ‘đã nghỉ ở nhà được 15 ngày’. Trong khi đó, chồng bà, vốn làm công nhân xây dựng cho một công ty nhận thầu sửa chữa nhà cửa của người Việt, cũng đã nghỉ ở nhà vì nhiều chỗ không muốn thợ đến sửa chữa vào lúc này do sợ dịch bệnh lây lan.
Theo lời bà thì hiện giờ hai vợ chồng bà không có thu nhập nhưng ‘vẫn chưa đến kỳ thanh toán hóa đơn nên cũng không đến nỗi’.
Bà nói bà trông chờ vào khoản tiền cứu trợ này vì ‘vợ chồng bà không có khoản nào để chi trả’.
“Số tiền 2.400 đô la (cho hai vợ chồng) không đủ xoay sở trong một tháng,” bà nói. “Cho nên chúng tôi có nguyện vọng làm đơn xin lãnh tiền thất nghiệp.”
Bà cho biết trước khi nghỉ bà đã được chủ trả lương nên ‘vẫn có tiền tiêu xài đủ cho hai tuần’. Tuy nhiên, bà còn phải trả tiền mua nhà là 1.300 đô la, cộng thêm tiền hóa đơn điện, nước, bảo hiểm, xe cộ vị chi là 2.000 đô la một tháng.
“Con cái tụi nó mới lập gia đình mà còn đi học nên phải vay tiền chính phủ đóng tiền học,” bà trả lời khi được hỏi con cái có phụ giúp gì cho ông bà hay không.
Theo lời bà thì người chủ thuê chồng bà đã nói với chồng bà rằng ‘nếu trong hai tuần nữa hãng đóng cửa thì sẽ chỉ cho đường làm đơn khai thất nghiệp’. “Còn tôi chưa ai chỉ cho cách làm đơn,” bà nói.
‘Khó khăn chưa từng thấy’
Bà nói lần đầu tiên trong nhiều năm ở Mỹ bà ‘lâm vào cảnh khó khăn đến vậy’.
“Nếu dịch bệnh xảy ra trong thời gian ngắn, chỉ trong hai tuần có thể mở cửa trở lại thì tôi còn có thể xoay sở được,” bà nói. “Nhưng không biết căn bệnh này kéo dài đến khi nào mới chấm dứt.”
“Nếu để hết tháng Tư qua tháng Năm thì tôi không chịu nổi,” bà nói thêm.
“Tôi đang rất là lo. Các thứ tiền hàng tháng họ có thể cho dời lại được nhưng họ không hề miễn cho mình,” bà nói và e rằng nếu không trả đủ hàng tháng thì ‘ngân hàng sẽ đến lấy nhà’.
Bà nói thêm là do ‘không biết tiếng Anh’ nên bà đang nhờ người đi hỏi ngân hàng giúp xem có cho hoãn nợ tiền nhà lại được hay không.
“Tôi mong cho dịch bệnh chấm dứt sớm để còn đi làm, chứ bây giờ muốn đi làm cũng không có công việc gì mà làm hết vì các chỗ đóng cửa hết,” bà than thở.
Theo lời bà thì trong hoàn cảnh dịch bệnh như thế này thì dù các tiệm nail có mở cửa lại bà ‘cũng không dám đi làm’.
“Công việc của tôi là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Người Việt mình thì lúc nào cũng bảo vệ cho sức khỏe. Họ (người Mỹ) nghĩ chuyện này (dịch bệnh) rất đơn giản,” bà giải thích. “Họ không mang khẩu trang, còn mình mang khẩu trang hay bao tay mình làm thì họ không hài lòng vì họ nghĩ mình mang mầm bệnh trong người.”
Giữa tiền bạc và sức khỏe, bà nói ‘sức khỏe lúc này là quan trọng nhất đối với vợ chồng bà’.
“Hai vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi. Tuổi này sức đề kháng yếu. Nếu va chạm bị lây bệnh thì không thể phục hồi. Nhưng nếu còn sống thì còn có thể đi làm từ từ để trả nợ,” bà nói thêm.
Do đó, điều mà bà Nhẫn mong nhất vào lúc này là chính quyền khống chế được dịch bệnh.
“Điều thứ hai tôi mong là chính phủ tung ra gói cứu trợ tiếp theo cho đến khi nào mình có thể đi làm lại được. Cuộc sống ở Mỹ không đi làm là không có tiền, mà mỗi cuối tháng đến kỳ phải trả nợ,” bà nói và cho biết bà ‘rất biết ơn Tổng thống Donald Trump’.
Giữa hai nguyện vọng tiếp tục được nhận cứu trợ và dịch bệnh sớm được kiểm soát, bà nói ‘dập dịch là quan trọng nhất’ vì ‘cứu trợ chỉ là phần nhỏ thôi – không đủ trang trải trong một tháng’.
‘Thắt lưng buộc bụng’
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tân, 72 tuổi, sống bằng lương hưu ở New York, cho VOA biết hai vợ chồng ông ‘sẽ phải sống tiết kiệm’.
Ông nói lương hưu hiện nay của ông chỉ có 1.000 đô la một tháng nên ông còn dựa thêm vào thu nhập của vợ vốn làm ở một tiệm làm tóc.
“Tương đối đến bây giờ thì chưa khó khăn vì bà xã tôi mới nghỉ làm cách nay 10 ngày,” ông cho biết.
Cũng giống như bà Nhẫn, ông Tân nói hàng tháng ông phải trả tiền hóa đơn các thứ cũng là 2.000 đô la. Ông cho biết ông có thể ‘cầm cự từ 6 đến 8 tuần lễ’.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Về ăn uống chúng tôi có dự trữ trong mấy tuần lễ. Trong thời gian này cũng phải tiết kiệm vấn đề ăn uống,” ông nói về cách vợ chồng ông xoay sở.
“Trong thời gian này thì chưa đến độ xảy ra vấn đề trầm trọng về ăn uống. Nhưng trong thời gian tới nếu vấn đề này kéo dài thì chắc chắn sẽ thiếu thốn,” ông nói thêm và cho biết vợ chồng ông phải cắt bớt tiêu dùng khoảng 15-20% so với trước đây.
Ông cho biết cũng trông chờ vào số tiền cứu trợ của chính phủ, nhưng ý thức rằng: “Đừng quá đòi hỏi chính quyền trong giai đoạn này. Họ đang khổ sở gấp nhiều lần người dân. Chúng ta chỉ lo cho gia đình chúng ta nếu có thể tự lo được thì nên tự lo.”
Tuy nhiên, đối với những người phải sống dựa vào tiền lương mỗi kỳ lãnh (paycheck mỗi hai tuần) và không có tiền dành dụm, ông Tân tin rằng ‘Chính phủ Mỹ không bao giờ để dân phải đói’.
Cũng giống như bà Nhẫn, ông Tân muốn chính quyền ưu tiên chống dịch bệnh trước vì đối với ông, ‘cứu trợ có hay không cũng không sao vì chúng tôi có thể thắt lưng buộc bụng được’.