Đường dẫn truy cập

Người Việt ở Mỹ có quan tâm sức khỏe Nguyễn Phú Trọng?


Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 14 tháng Năm. (Hình: Trích xuất từ VnExpress)
Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 14 tháng Năm. (Hình: Trích xuất từ VnExpress)

Nhiều người Việt ở Mỹ, nhất là trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, cũng quan tâm đến tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhưng lại bày tỏ những tình cảm khác nhau đối với nguyên thủ đồng thời là người đứng đầu Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Ông Trọng đã biến mất trước công chúng trong một tháng trời kể từ sau chuyến công tác đến Kiên Giang và chỉ mới xuất hiện trở lại hôm 14/5 khi truyền thông Việt Nam phát hình ảnh cho thấy ông đang chủ trì một phiên họp với các lãnh đạo cao cấp. Trong thời gian đó, nhiều nguồn tin ở hải ngoại, nhất là trên các mạng xã hội, liên tục cập nhật tin tức, bình luận về việc ông Trọng ‘đang bị bạo bệnh’, ‘hấp hối’ và đằng sau là những thuyết âm mưu về đấu đá nội bộ.

Theo những người Việt tại Mỹ mà VOA hỏi chuyện thì bệnh tình ông Trọng là chủ đề được nhiều người trong cộng đồng bàn bạc sôi nổi mỗi khi gặp nhau hay khi trà dư tửu hậu.

Ông Đỗ Dzũng, phóng viên của báo Người Việt có trụ sở ngay tại Quận Cam, ‘thủ đô’ của người Việt tại Mỹ, nói rằng một trong những nguyên nhân làm tăng sự quan tâm đối với tình hình sức khỏe ông Trọng là ‘sự giấu giếm thông tin ở trong nước’ khiến các câu chuyện liên quan ‘càng gây tò mò, kích thích’.

Theo lời ông Dzũng thì trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam ‘có hai luồng dư luận về sức khỏe của ông Trọng’.

“Những người không thích chế độ cộng sản thì không thích ông ấy. Họ hy vọng (ông Trọng chết đi) để ông khác lên thay,” ông Dzũng nói.

Luồng thứ hai là ‘lo lắng trước tin ông Trọng bị bệnh’, cũng theo lời nhà báo này.

“Tôi có nói chuyện với một số người, họ lo cho ông Trọng vì họ cho rằng ông Trọng chống tham nhũng.”

Tuy nhiên, ông Dzũng cũng cho rằng ‘còn có một nhóm thứ ba là những người không thích cá nhân ông Trọng nhưng lại ủng hộ việc ông Trọng chống tham nhũng quyết liệt’.

“Những người chống Cộng 10 người thì có 5 người chống tham nhũng. Họ thấy chế độ cộng sản không thể thay đổi được thì dù sao người chống tham nhũng vẫn hay hơn người không chống được tham nhũng,” ông Dzũng giải thích và cho biết ‘thái độ chống Cộng của người Việt ở Mỹ cũng đã có sự thay đổi sau 44 năm’ với những người cựu trào đã dần rơi rụng.

Theo ông Dzũng thì việc ông Trọng tái xuất cho thấy ‘mọi việc không có gì thay đổi, ông Trọng vẫn kiểm soát tình hình’ và ngay sau đó Việt Nam đã bắt hai quan chức tham nhũng. Điều này cho thấy ‘việc đốt lò vẫn tiếp diễn trong lúc ông Trọng vắng mặt’, ông Dzũng nói.

Theo quan sát của ông Dzũng thì ‘có cảm giác là hình ảnh ông Trọng đối với cộng đồng người Việt tại Mỹ tích cực hơn các đời tổng bí thư khác’.

Theo lời ông giải thích là ông Trọng là tổng bí thư xuất thân trong thời bình nên không chủ trương ‘chiến tranh’, ‘chống Mỹ’ và lãnh đạo đất nước trong thời kỳ khó khăn với nhiều tiêu cực xã hội, ngoại giao phức tạp với các nước lớn.

Riêng trong vấn đề chống tham nhũng, ông Dzũng nhận định là ông Trọng ‘làm quyết liệt’, bắt được nhiều nhân vật cộm cán như ủy viên Bộ Chính trị, các tướng công an, chứ không như những đời tổng bí thư trước ‘nói mà không làm’.

Ngoài ra, cũng theo nhà báo này, ông Trọng được xem là ‘tương đối sạch’, không có điều tiếng tham nhũng như các lãnh đạo khác và cũng không có người thân được đề bạt làm các chức vụ cao.

Tuy nhiên, trao đổi với VOA, ông Nguyễn Thế Sử, một nhà hoạt động cộng đồng của người Việt ở San Diego, bang California, nói rằng tin ông Trọng bệnh là ‘tin tốt’ đối với cộng đồng.

“Cộng đồng người Việt ở San Diego có thái độ chống độc tài mà chế độ độc tài ở Việt Nam là do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cho nên bất cứ xáo trộn gì trong chính quyền cũng đều có lợi cho công cuộc đấu tranh của người Việt ở đây,” ông Sử nói và cho biết trong các cuộc trò chuyện, những buổi uống cà phê với nhau của người Việt ở San Diego thì chủ đề ông Trọng bệnh ‘được bàn tán sôi nổi’.

Trước câu hỏi của VOA rằng tại sao tin ông Trọng bệnh lại là tin tốt với cộng đồng vì nếu không phải ông Trọng thì cũng sẽ có người khác lên làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Sử nói rằng việc đó ‘cũng có lợi ích tạm thời vì nó dẫn đến sự đấu đá trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam’.

Về thành tích chống tham nhũng của ông Trọng, ông Sử thừa nhận rằng ông Trọng ‘làm mạnh tay, có những bước tiến lớn và có những vụ bắt giữ lớn những nhân vật có số má’ nhưng đó là ‘do sự sống còn của Đảng nên Đảng Cộng sản không còn lựa chọn nào khác’.

“Gốc rễ của tham nhũng là thể chế, nên nếu thật tâm chống tham nhũng thì phải đi đôi với việc thay đổi thể chế,” ông Sử phân tích. “Nếu không thì chống tham nhũng chỉ là dọn đường cho phe nhóm tham nhũng khác lên thôi.”

“Về lâu dài người dân mong muốn có một chế độ trong sạch, mà chế độ độc tài thì không thể nào trong sạch được nên người Việt ở hải ngoại mong muốn có sự thay đổi cơ chế,” ông nói.

Khi được hỏi về mong muốn của ông đối với tình hình Việt Nam, ông Sử nói ông mong ‘có người chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa’.

“Đấu tranh chống tham nhũng dẫn đến những xáo trộn trong guồng máy hiện tại và do đó sẽ dẫn đến thay đổi thể chế,” ông giải thích và thừa nhận đòi hỏi những người lãnh đạo Việt Nam thay đổi chế độ ‘là rất khó’.

Theo nhận định của ông Sử thì sự xuất hiện trở lại của ông Trọng qua hình ảnh truyền thông trong nước là ‘gượng ép’ và có nhiều nghi vấn như chiếc đồng hồ ông Trọng đeo hay chiếc đai an toàn trên ghế ngồi.

Tương tự như ông Sử, cô Nancy Nguyễn, một nhân vật tranh đấu tại Westminster, Quận Cam, nói rằng cô biết trong cộng đồng người Việt ‘có nhiều người hả hê trước tin đồn ông Trọng bạo bệnh’ vì ‘họ nghĩ rằng người đó là tội đồ, là nguyên nhân của tất cả mọi thứ nên giờ phải chịu quả báo thôi’.

Theo nhận định của cô thì công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng là ‘có mục đích cá nhân nhằm sắp xếp lại quyền lực’ và ‘thanh trừng những ai chống đối để thay bằng những người ngoan ngoãn’.

Nhìn về phía trước, cô nói rằng cộng đồng ở hải ngoại đang chờ xem nhân vật nào sẽ lên thay ông Nguyễn Phú Trọng và tiên liệu ‘sẽ có đấu đá nội bộ rất gay gắt’.

“Cá nhân tôi nghĩ sẽ không có biến chuyển gì nhiều. Tôi mong lãnh đạo sắp tới sẽ bao dung hơn đối với những tiếng nói phản kháng,” cô nói và cho biết những bản án từ 5-10 năm dành cho các nhà hoạt động dưới thời ông Trọng là ‘rất khủng khiếp’.

“Một người xuống thì có nhiều người khác lên và tất cả cũng nằm trong hệ thống,” cô nói. “Muốn thay đổi thì phải có thay đổi thể chế.”

Cô Nancy Nguyễn nói do ông Trọng tuổi đã cao nên cô hy vọng lãnh đạo tiếp theo ông Trọng ‘trẻ trung hơn và có sự hiểu biết hơn’.

“Ông Trọng luôn khẳng định về chế độ xã hội chủ nghĩa, điều mà các lãnh đạo trẻ không còn nói ra nữa. Tôi mong các lãnh đạo mới sẽ nhận ra là đi theo chủ nghĩa xã hội là không thực tế và sẽ có những sự cải tổ,” cô nói khi được hỏi về hy vọng cho tương lai của Việt Nam.

Khi được hỏi nếu người khác lên thay lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng phải theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lenin như ông Trọng thì làm sao trông chờ sự thay đổi được, cô Nguyễn nói: “Giữa một người đã biết rõ chủ trương họ như thế nào và một người chưa biết thì người chưa biết vẫn hay hơn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG