Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Ám sát, sụp đổ và đôi điều nhận định
Lẽ dĩ nhiên, Giáo sư Bông càng hữu ích cho việc củng cố chính quyền chống Cộng ở miền Nam Việt Nam, xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, thì ông càng nguy hiểm đối với bên kia chiến tuyến. Chưa nói đến việc Giáo sư Bông được bổ nhiệm làm Thủ tướng, chỉ riêng các vai trò quan trọng mà ông đang nắm giữ, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, “lò” đào tạo quan chức bộ trung, cao cấp cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và vì vậy là một trong những “cơ quan đầu não” của chính quyền này, và chủ xướng Phong trào Quốc gia Cấp Tiến, một tổ chức chính trị chống Cộng triệt để, đã đủ đưa ông vào “tầm ngắm” của hoạt động “trừ gian, diệt ác” của các lực lượng an ninh Cộng sản, đặc biệt sau khi có Chỉ thị số 32/CT ngày 15/12/1967 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Được ban hành nhằm chuẩn bị cho “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” dịp Tết Mậu Thân 1968 theo Nghị quyết tháng 12/1967 của Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Chỉ thị này nêu nhiệm vụ, phương hướng của công tác an ninh trong thời gian tới với nội dung: “Hướng vào các đô thị, thị xã, thị trấn và các vùng xung yếu, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và lực lượng chính trị của quần chúng đẩy mạnh trừ gian, diệt ác và bộ máy kìm kẹp, hạ uy thế của địch, tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy, tiến lên tiêu diệt cơ quan đầu não, các tổ chức cảnh sát, tình báo của Mỹ - ngụy, các đảng phái phản động của địch một cách triệt để, góp phần đánh sụp ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực nắm vững tình hình địch, tích cực chuẩn bị lực lượng chuyên môn để truy kích địch, bảo vệ chính quyền cách mạng” (9).
Cũng cần nói thêm rằng hoạt động “trừ gian, diệt ác” gia tăng với việc “Ông trùm tình báo Cộng sản” Mười Hương (tức Trần Quốc Hương) (10) tham gia Thường vụ T4 - Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và nắm chức Trưởng ban An ninh T4 vào năm 1970, hai năm sau khi ông từ Bắc về Nam và công tác tại Tình báo Miền, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam (Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Nam). Thực vậy, Mười Hương có ba nhiệm vụ chính khi về làm Trưởng Ban An ninh T4: diệt ác ôn, đánh xẹp khí thế chính trị của địch; tiến hành công tác điệp báo, xây dựng mạng lưới cơ sở, nắm âm mưu địch; đảm bảo an ninh khu vực.
Để nói, ngay sau khi bắt đầu vận động thành lập Phong trào Quốc gia Cấp Tiến vào tháng 10/1968, vị Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chính trở nên nguy hiểm gấp đôi và vì vậy trở thành mục tiêu trừ diệt hàng đầu của Ban an ninh T4.
Ngày 25 tháng 11 năm 1968, sinh viên Luật khoa Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành đã đặt chất nổ ở bức tường ngăn giữa phòng họp của Học viện Quốc gia Hành chánh và phòng làm việc của Giáo sư Bông (11). Ông may mắn thoát chết, chỉ bị xây sát đôi chút và ngất đi. Ông Lê Công Truyền, nhân viên Học viện và là người đưa Giáo sư Bông đến bệnh viện, cho biết vụ nổ tạo một lỗ thủng bằng cái nong trên tường và đẩy Giáo sư tọt vào gầm bàn làm việc. Vẫn theo nhân chứng này, câu đầu tiên của Giáo sư Bông sau khi hồi tỉnh tại bệnh viên là: “Có anh em nào bị gì không?”.
Thế nhưng Giáo sư Bông không còn gặp may mắn trong vụ mưu sát thứ hai. Vụ này do sinh viên năm thứ ba Khoa Khoa học Vũ Quang Hùng và trung úy quân lực VNCH Lê Văn Châu, thành viên Trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh T4 (12), thực hiện bằng một trái mìn DH khoảng 5kg liên kết với ba trái lựu đạn da láng tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản, Sài Gòn, vào trưa ngày 10/11/1971.
Trong bài viết “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” đăng trên Dân Việt (báo điện tử của Trung ương Hội nông dân Việt Nam) ngày 30/4/2011, ông Vũ Quang Hùng kể: “Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong đội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Điệp) làm đội trưởng. Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi). Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam (tức Thái Doãn Mẫn, sau 30/4/1974 là Đại tá, phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh - CHHV) – phó Ban An ninh T4: “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Đã có nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền và quân đội Sài Gòn bị An ninh T4 bị ám sát. Tuy nhiên vụ ám sát Giáo sư Bông mới là đòn chí tử vào Việt Nam Cộng Hòa.
Như đã phân tích, Giáo sư Bộng là sự lựa chọn hoàn hảo của Mỹ cho “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến lược gây dựng cho chính quyền Sài Gòn khả năng tự đương đầu với địch thủ Cộng sản, trong đó tăng cường năng lực “đấu tranh chính trị” ở vị trí ưu tiên. Thực vậy, Hội nghị Paris đang bàn đến hiệp thương giữa các bên tham chiến người Việt để tổ chức bầu cử cử ở miền Nam Việt Nam. Về phần Tổng thống Thiệu, dù muốn dù không ông cũng phải thừa nhận “Giải pháp Nguyễn Văn Bông” là cách duy nhất có thể giúp Việt Nam Công hòa tiếp tục tồn tại bởi Tướng ba sao này quá hiểu rằng không có cơ may nào, dù là nhỏ nhất, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Cộng sản bằng biện pháp quân sự. Do đó, vụ ám sát Giáo sư Bông dập tắt hy vọng sống sót duy nhất của Việt Nam Cộng hòa. Ông Hoàng Đức Nhã kể: “Khi nghe tin Giáo sư Bông bị ám sát, Tổng thống Thiệu buồn lắm, rất là buồn, Ông ấy nói với tôi: “Đấy chú thấy không, mình cố gắng như thế đó mà không biết thằng nào nó phá” cho dù đã tự động nghi vấn Cộng sản đứng đằng sau.
Thực tế cho thấy sau khi Giáo sư Bông bị ám sát, Tổng thống Thiệu theo quán tính tiếp tục giữ Tướng Khiêm ở vị trí Thủ tướng, đồng nhất với duy trì nội các chiến tranh. Điều này không chỉ củng cố quyết tâm thống nhất đất nước bằng quân sự của những người Cộng sản Việt Nam mà còn biện minh hơn nữa việc theo đuổi chiến tranh đến cùng của họ trong dư luận thế giới nói chung, dư luận Mỹ nói riêng. Tóm lại, cổng Dinh Độc lập bị hai xe tăng mang số hiệu 390 và 843 trong đội hình tổng tấn công của 20 sư đoàn chính quy Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ vào trưa ngày 30/4/1975 chỉ là sự kiện được tiền định bởi vụ ám sát Giáo sư Bông mà thôi!
Để kết thúc bài viết này, tác giả có đôi điều nhận định từ vụ ám sát Giáo sư Bông.
Đầu tiên, “Việt Nam hóa chiến tranh” hỏng ngay từ đầu vì chiến lược này của Mỹ được giao cho Đại sứ Bunker triển khai, trong khi vị này lại mâu thuẫn với chính mình trong triết lý hành động.
Như đã nói tới, sở dĩ được Tổng thống Johnson phái sang Việt Nam để thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” là vì Bunker đã giải quyết được khủng hoảng Đôminica bằng giải pháp chính trị, tạo điều kiện cho Mỹ rút quân trước viễn cảnh sa lầy quân sự tại đây. Thế nhưng, “giải pháp chính trị” mà Bunker áp dụng ở Nam Việt Nam lại khác hẳn với “giải pháp chính trị” mà ông triển khai ở Đôminica.
Tại đảo quốc ở Caribê, Bunker nỗ lực đưa các bên tham chiến người Đôminica ngồi lại với nhau để định ra một cuộc bầu cử và ông đã thành công. Trái lại ở Nam Việt Nam, vị đại sứ Mỹ này không hề tìm cách đưa Việt Nam Cộng hòa vào con đường đối thoại với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông chỉ chăm chăm dàn xếp chính trị giữa các thành phần chống Cộng nhưng đối lập nhau trong nội bộ Việt Nam Cộng hòa để chính thể này đủ vững để chống Cộng thành công. Do đó, việc Bunker dàn xếp được một sự “cộng sinh chính trị” giữa Tổng thống Thiệu và Giáo sư Bông cũng không giúp được gì cho việc giảm nỗ lực chiến tranh từ phía những người Cộng sản, nếu không muốn nói là ngược lại. Điều này rốt cuộc đã dẫn đến cái chết của của Giáo sư Bông và của chính Việt Nam Cộng hòa như ta đã thấy.
Tiếp theo, tình báo Cộng sản hoạt động rất hiệu quả.
Như đã trình bày, cuộc thảo luận giữa ông Hoàng Đức Nhã, phái viên của Tổng thống Thiệu, và Giáo sư Bông về việc bổ nhiệm vị này làm Thủ tướng bắt đầu vào ngày 10/7/1971 và kết thúc 2 ngày sau đó. Lời kể của “ám sát viên” Vũ Quang Hùng cho thấy tình báo Cộng sản đã nắm được thông tin này hầu như ngay lập tức. Điều này càng phi thường khi biết rằng mãi nửa tháng sau giới phóng viên báo chí phương Tây tại Sài Gòn – cũng là các nhà tình báo - mới biết chuyện.
Ông Nhã kể: “Cuối tháng 10, François Nivolon, phóng viên báo Pháp Le Figaro gọi điện cho tôi, hỏi: “Thưa ông Tổng trưởng, dường như Tổng thống Thiệu sắp cải tổ nội các và Giáo sư Bông đã được mời bàn chuyện này. Có đúng vậy không?” Khi tôi nói là có nhiều giáo sư Bông trong xã hội thì Nivolon nói: “Chỉ có một giáo sư Bông, bạn của ông đó” bởi biết tôi đã cùng làm việc với Giáo sư Bông trong chuyến đi Pháp. Thấy tôi không phủ nhận cũng không xác nhận tin này thì Nivolon nói: “Đừng giỡn, chúng tôi biết vai trò của ông trong vụ này rồi”. “Chúng tôi đã cố gắng giữ rất mật cuộc thảo luận với Giáo sư Bông với tư cách Chủ tịch Phong trào Cấp Tiến Quốc gia – ông Nhã nói tiếp – vì sợ các đảng phái khác phá thối. Nhưng dựa trên thông tin mà ông Vũ Quang Hùng đưa ra thì tôi nghĩ tình báo Cộng sản thậm chí biết được cuộc thảo luận này ngay khi nó mới bắt đầu”.
Suy cho cùng, thành tích tình báo này của những người Cộng sản không có gì là lạ vì trong tay của Trưởng Ban An ninh T4 Mười Hương và Tình báo Miền có một loạt điệp viên “chui sâu, leo cao” trong bộ máy chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong số các điệp viên chiến lược này có Nguyễn Văn Tá (Đặng Trần Đức, Ba Quốc, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 12 Tổng Cục Tình báo Quốc phòng, Quân đội Nhân dân Việt Nam), làm việc tại Phủ Đặc ủy trung ương tình báo do Đại tá Nguyễn Khắc Bình (sau này là Thiếu tướng quân lực VNCH), một người thân tín của Tổng thống Thiệu, làm Đặc ủy trưởng. Với chức vụ Trưởng ban chính trị phụ trách các đảng phái, ông Tá chắc chắn được Đại tá Bình giao nhiệm vụ lập hồ sơ về Giáo sư Bông với tư cách Chủ tịch Phong trào Quốc gia Cấp Tiến để báo cáo với Tổng thống Thiệu cho dù Giáo sư Bông được Đại sứ Bunker bảo trợ (13). Do đó, rất có thể chính điệp viên Nguyễn Văn Tá là người đã chuyển cho Tình báo Miền thông tin Tổng thống Thiệu mời Giáo sư Bông làm Thủ tướng, thậm chí trước cả khi ông Nhã khởi sự thảo luận với Giáo sư Bông. Cũng cần nói thêm rằng, Cụm A22 của Tình báo Miền hoạt động tại “Phủ Đầu Rồng” (Phủ Tổng thống VNCH) trong đó có Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, hai cố vấn Tổng thống Thiệu, đã bị bắt và đưa ra xét xử vào năm 1969.
Cuối cùng, Giáo sư Bông dẫu có chết thảm và thuộc về bên chiến bại bởi qui luật nghiệt ngã của chiến tranh, những đứa con tinh thần xuất sắc của ông, “Vấn đề đối lập trong chánh thể dân chủ” và “Luật Hiến pháp và chính trị học”, vẫn hiện diện như giá trị tham khảo cần thiết cho công cuộc xây dựng một Nhà nước dân chủ và pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Lời bạt
Năm 1976, quả phụ Giáo sư Bông, bà Lê Thị Thu Vân tái giá. Bà lấy Lacy Wright, một nhân viên ngành ngoại giao, người đã từng phục vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trước 30/4/1975. Tại lễ cưới, cựu Đại sứ Bunker đã đóng vai người cha để trao bà cho Lacy. Ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, ngày nào bà cũng nấu cơm cho ông ăn.
Được hỏi thái độ của bà đối với những người đã ám sát Giáo sư Bông, Jackie Bông khẳng định: “Tôi theo Đạo Phật nên tôi không thù hận họ”. Bà nói tiếp: “Năm 1994, Thượng nghị sĩ John McCaine gặp tôi và hỏi tôi suy nghĩ thế nào về việc Quốc Hội Mỹ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tôi nói ngay: “Đối với tôi, vấn đề quan hệ ngoại giao với Việt Nam không phải là “why” (tại sao) mà là “when” (khi nào)”. Bà cho biết cả ba người con của bà với Giáo sư Bông, Annie, Victor và Alex, đều đã về thăm và làm việc tại Việt Nam. “Annie, con đầu của tôi – bà kể - nhất quyết về Việt Nam khi hai nước chưa có quan hệ ngoại giao. Con gái tôi nói: “Ba con là người Việt Nam, con là người Việt Nam, con phải về Việt Nam để phục vụ”. Jackie Bông nói thêm rằng Lacy chồng bà đã về thăm Việt Nam những 5 lần nhưng bản thân bà chưa về lần nào vì còn có những băn khoăn, trở ngại.
Cuối cuộc trò chuyện, Jackie Bông cho biết có nhà xuất bản ở Việt Nam đề nghị bà cho họ in lại cuốn “Luật Hiến pháp và chính trị học” của Giáo sư Bông nhưng bà chưa quyết định. Dẫu vậy, tác giả bài viết này tin rằng một ngày không xa bà sẽ lại có mặt ở Việt Nam, trước hết để dự buổi lễ tái sinh tác phẩm ấy của người chồng quá cố của bà, một “trí thức uy tín”.
Chú thích
(9) Chiến công xuất sắc của Lực lượng An ninh miền Nam, Hải Giang (theo Lịch sử Công an nhân dân), An ninh Thế giới Online, ngày 03/03/2008.
(10) Trần Quốc Hương từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, từng là tù nhân của chính quyền thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông là người tổ chức và cũng là cấp trên trực tiếp của những điệp viên chiến lược cộng sản nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Việt Nam là Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn.
(11) “Bí mật điệp báo chưa từng công bố: đốt cháy con bài của Mỹ”, Nam Thi, Thanh Niên ngày 2/5/2000.
(12) Trong bài “Những ký ức hào hùng của người trinh sát vũ trang nội đô” của Phú Lữ, Công an nhân dân ngày 05/02/2018, Thiếu tá Công an Lê Việt Bình cho biết: “Ban An ninh T4 thuộc Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Ban này có các tiểu ban như Bảo vệ chính trị, điệp báo, hậu cần, an ninh vũ trang, giao liên... Đến tháng 4-1965, Ban An ninh T4 lập thêm một tiểu ban mới: Trinh sát vũ trang, bí danh là B5. Khác với An ninh vũ trang chuyên hoạt động ở vùng nông thôn và vùng ven với nhiệm vụ chống các trận càn quét, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các lãnh đạo..., địa bàn chiến đấu của Trinh sát vũ trang là vùng nội đô Sài Gòn - Gia Định. Nhiệm vụ của Trinh sát vũ trang không chỉ là điều tra nghiên cứu, thu thập tình hình phục vụ tác chiến, mà chủ yếu là tiêu diệt “Việt gian, ác ôn” nhằm làm thất bại các ý đồ chiến lược của Mỹ -Thiệu, đập tan ách kìm kẹp của địch, tạo điều kiện phát triển các phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị”.
(13) Trong bài “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng (kỳ 21): Khi Mỹ trở thành đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo” của Hoàng Hải Vân - Tấn Tú, Việt Báo (Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI) - Bộ thông tin và truyền thông) ngày 11/3/2004, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Nguyễn Văn Tá, Ba Quốc) cho biết “nhiệm vụ chủ yếu của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo là bảo vệ Nguyễn Văn Thiệu, đối tượng của Phủ Đặc ủy là Mỹ và các thế lực chống đối trong và ngoài chính quyền”.
Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.