Đường dẫn truy cập

Ứng dụng theo dõi Covid của Việt Nam có rình mò bạn không?


(Hình: Trích xuất từ VnExpress.net)
(Hình: Trích xuất từ VnExpress.net)

Hàng triệu người dùng điện thoại di động ở Việt Nam đã tải ứng dụng truy tìm dấu vết Covid-19 được chính quyền Việt Nam bảo trợ giữa lúc dịch corona mới bùng phát trở lại trong thời gian gần đây.

Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu tháng Tám đã thúc giục người dân tải về ứng dụng Bluezone do công ty công nghệ thông tin Bkav của ông Nguyễn Tử Quảng phát triển cùng Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Y tế, theo tin từ VnExpress.

VnExpress cũng nói Bluezone dùng công nghệ định vị Bluetooth để phát hiện và ghi nhận bất kỳ điện thoại thông minh khác nào cùng cài ứng dụng này trong phạm vi hai mét. Khi một người sở hữu điện thoại có cài Bluezone được phát hiện nhiễm Covid-19, dữ liệu tiếp xúc của người bệnh sẽ được đem ra so sánh với lịch sử tiếp xúc của những người dùng app khác nhằm xác định những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng như lịch sử tiếp xúc của những người tiếp xúc gần này.

Chuyên gia công nghệ thông tin Dương Ngọc Thái được BBC Tiếng Việt dẫn lời ám chỉ rằng dữ liệu của hàng triệu người dùng sẽ được tập trung lại vào kho dữ liệu và bình luận:

“Tập trung tất cả dữ liệu ở một chỗ sẽ giúp việc truy vết dễ dàng và hiệu quả hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là Bluezone, tức nhà nước Việt Nam, sẽ biết được ai đã gặp ai, trong bao lâu, vào lúc nào. Từ thông tin này có thể suy ra được ai quen ai, tức social graph [biểu đồ xã hội] của phần lớn quan chức và dân chúng.”

Ông Thái cũng nói Bkav và các quan chức Việt Nam đã lẳng lặng sửa những lỗ hổng ảnh hưởng tới “sự an toàn và riêng tư” của người dùng trên Bluezone mà ông chỉ ra từ tháng Tư dù khi đó họ chối bỏ và thậm chí tấn công cá nhân ông vì đã để công chúng biết tới.

Người dùng điện thoại thông minh có thể tải Bluezone từ AppStore hay PlayStore. Ứng dụng được phát hành từ ngày 18/4, nhưng cho tới 27/7 mới chỉ có vài trăm ngàn người dùng. Mặc dù vậy số người dùng đã tăng lên 1,1 triệu hôm 30/7, 1,8 triệu hôm 2/8, và tới gần tám triệu hôm 7/8, theo Thông tấn xã Việt Nam và các trang tin trong nước.

Dường như sự bùng phát của bệnh dịch đã làm cho nhiều người dân tạm gác nỗi lo có thể bị giám sát để tải về ứng dụng truy vết Covid-19. Nhưng chính quyền có vẻ cũng đã giảm các tính năng giám sát của Bluezone với hy vọng số người dùng sẽ có khả năng đạt tới 50 triệu, con số cần thiết để việc truy vết Covid-19 qua Bluezone thực sự hiệu quả.

Trang tin chuyên về công nghệ TechInAsia có trụ sở ở Singapore đánh giá Bluezone đứng ngang hàng với ứng dụng cùng chức năng TraceTogether của Singapore xét theo số “đòi hỏi nguy hiểm” mà ứng dụng muốn người dùng cho phép. Sáu đòi hỏi nguy hiểm của Bluezone và TraceTogether gồm cả vị trí, hình ảnh, phương tiện, tệp và hệ lưu trữ. Ứng dụng MorChana của Thái Lan được đánh giá là thọc mạch nhất với chín đòi hỏi nguy hiểm gồm cả quyền truy cập máy ảnh, lịch sử thiết bị và ứng dụng. Các app của Indonesia, Philippines và Malaysia đều đòi bảy quyền truy cập nguy hiểm.

Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam nói họ không cần truy cập vào ảnh và phương tiện và giải thích thêm: “Bluezone chỉ sử dụng quyền "truy cập tệp" để ghi lịch sử "tiếp xúc gần" lên bộ nhớ thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi Bluezone không sử dụng các quyền còn lại.”

Bộ này cũng giải thích thêm Bluezone không ghi nhận hay sử dụng vị trí của người dùng. Lý do họ xin được truy cập vị trí là vì ứng dụng cần tới Bluetooth và Google tự đòi hỏi người dùng cho phép truy cập vị trí khi Bluetooth được bật lên.

Bộ Thông tin Truyền thông dường như cũng phủ nhận ý kiến của chuyên gia Dương Danh Thái về chuyện họ tập trung dữ liệu về một kho chung. Họ giải thích:

“Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server [máy chủ], không thu thập vị trí. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra.”

Biểu đồ được báo Lao Động đăng chỉ ra rằng khi có người mắc Covid, dữ liệu của người đó sẽ được nhập vào hệ thống để gửi tới tất cả các máy trong cộng đồng Bluezone. Ứng dụng Bluezone trên máy của các thành viên sẽ so lịch sử tiếp xúc của họ với dữ liệu của người nhiễm Covid. Cảnh báo sẽ được gửi tới người có nguy cơ lây nhiễm.

Giám đốc của Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng, cũng được trang Vietnam Finance dẫn lời nói Bluezone “đảm bảo tính riêng tư của người dùng” vì ứng dụng không ghi nhận danh tính, số điện thoại và vị trí của những người có tiếp xúc gần. Bluezone được cho là chỉ ghi nhận mã số do app tự tạo ra và mã số này cứ 15 phút lại thay đổi.

Ông Dương Ngọc Thái Trong khi đó hôm 8/8 đã lại có blog khẳng định “máy chủ Bluezone có thể âm thầm lấy dữ liệu của người dùng. Ông viết: “Tôi vừa đưa lên https://github.com/thaidn/bluezone hướng dẫn để những lập trình viên và những ai quan tâm có thể tận mắt chứng kiến cách máy chủ Bluezone có thể âm thầm lấy lịch sử tiếp xúc của tất cả người dùng Bluezone. Xin nhấn mạnh là tất cả, bất kể người đó có từng tiếp xúc với F nào hay không.”

“Tóm lại máy chủ có toàn quyền quyết định lấy dữ liệu bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý của người dùng. Có thể máy chủ sẽ không bao giờ làm vậy, nhưng câu hỏi là làm sao chúng ta có thể kiểm tra được nếu họ không cam kết và không cung cấp thông tin cách họ làm trên máy chủ?”

Một số người bình luận rằng họ coi trọng sức khoẻ hơn các dữ liệu họ có và các ứng dụng khác đều đòi hỏi người dùng cho phép truy cập nhiều thông tin. Cũng có người nói dữ liệu của họ không có gì đáng phải lo ngại ngay cả khi có bị truy cập. Nhưng khi một chính quyền đã tự cho mình quá nhiều quyền và dùng lực lượng công an, an ninh như công cụ chính để trị nước, sự cẩn thận của người dùng sẽ không bao giờ là thừa.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG