Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà kĩ trị được ghi nhận có công thúc đẩy khai phóng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đã qua đời hôm 17 tháng 3 tại nhà riêng ở quê nhà Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, truyền thông Việt Nam đưa tin. Ông hưởng thọ 85 tuổi.
Tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang và linh cữu của ông được quàn tại Hội trường Thống Nhất, báo Tuổi Trẻ cho biết, dẫn thông cáo đặc biệt từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trước đó tin tức cho biết tình trạng sức khỏe của ông trở nặng trước Tết. Sau thời gian điều trị ở nước ngoài, ông được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, để tiếp tục điều trị.
Ông được bầu làm thủ tướng vào tháng 9 năm 1997 và giữ cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa cho đến năm 2006, khi ông xin mãn nhiệm sớm một năm.
Từng theo học kinh tế tại Liên bang Soviet, ông là nhà kĩ trị đã dẫn dắt Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và đạt tăng trưởng GDP trung bình 7 phần trăm trong gần chín năm nắm quyền.
Thủ tướng Khải được nhiều người ghi nhận là có công trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam với việc xây dựng Luật Doanh nghiệp mang tính bước ngoặt, được Quốc hội thông qua vào năm 1999.
"Thủ tướng Phan Văn Khải có vai trò nổi bật trong việc ra đời và triển khai luật này," ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 1996 đến năm 2002, nói với báo Tiền Phong. "Anh tự mình nêu hoặc ủng hộ nhiệt tình các tư tưởng mới của luật Doanh nghiệp, chẳng hạn nêu công thức 'người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm' thay cho công thức 'người dân chỉ có thể làm những gì nhà nước cho phép' đã tồn tại một thời gian rất dài trước đó."
Ông Khải thành lập một tổ công tác bao gồm các chuyên gia kinh tế để thi hành Luật doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất là rà soát các "giấy phép con" đã ban hành trước đây để kiến nghị bãi bỏ.
Khoảng phân nửa số giấy phép con được ông Khải kí quyết định bãi bỏ, cắt đi "nguồn thu bất chính" của các Bộ rất nhiều, theo lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tổ phó tổ công tác của ông Khải.
"Điều đó làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân," ông Doanh nói trong một cuộc phỏng vấn với trang tin VietnamFinance.
Năm 2005, Thủ tướng Khải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Mỹ kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Ông hội kiến Tổng thống George W. Bush, gặp gỡ các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, trong một nỗ lực thúc đẩy đà tiến của mối bang giao giữa hai nước sau 10 năm bình thường hóa quan hệ.
"Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ tìm thấy ở Việt Nam một đối tác hợp tác tiềm năng," ông Khải phát biểu trong Phòng Bầu dục.
Tuy nhiên chuyến công du của ông cũng vấp phải các cuộc biểu tình phản đối từ Washington tới Seattle, nơi ông có một cuộc họp báo để kêu gọi đồng hương gác lại thù hằn và góp sức xây dựng mối quan hệ Việt-Mỹ.
Ông lúng túng khi bị một người gốc Việt đứng dậy chất vấn gay gắt về nhân quyền và tôn giáo. Khi nhà hoạt động này bắt đầu gọi ông là kẻ nói dối và sát nhân, ông ta bị đưa ra ngoài, trong một vụ việc khiến nhiều người trong phái đoàn Việt Nam tức giận, theo tường trình của báo The Seattle Times.
Dưới thời ông Khải nắm quyền, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền Việt Nam trở nên nghiêm trọng, buộc ông phải nhận trách nhiệm và xin lỗi trước Quốc hội.
"Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi," ông Khải nói trong một bài phát biểu vào năm 2006.
Ông Phan Văn Khải sinh ngày 25 tháng 12 năm 1933 tại Củ Chi. Sau khi theo học Đại học Kinh tế Plekhanov ở Moscow trong những năm 1960, ông về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Thống nhất của Chính phủ.
Ông làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào cuối những năm 1980 và trở thành ủy viên Bộ chính trị không lâu sau đó.
Lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 và lễ an táng sẽ diễn ra lúc 11 giờ cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà của ông xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, theo Tuổi Trẻ.