Trân Văn
Việc có khoảng nửa triệu người theo dõi livestream mà bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam) thực hiện vào chiều 25/5/2021 đã trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của tuần này.
Bà Hằng là nhân vật vốn chẳng xa lạ gì với công chúng Việt Nam. Gần đây, sau khi tấn công ông Võ Hoàng Yên – người từng được hệ thống truyền thông chính thống phong tặng danh hiệu… Thần y, bà tiếp tục tấn công giới nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng mà con số người hâm mộ tính bằng… triệu, ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc tổ chức quyên góp giúp đỡ người nghèo, nạn dân... Livestream mà bà Hằng thực hiện vào chiều 25/5/2021 là một trong những cuộc tấn công theo hướng này (1).
Không cần bàn về bà Hằng cũng như cách thức bà thực hiện các cuộc tấn công qua mạng xã hội, những nội dung bà đề cập về ông Yên, về giới nghệ sĩ và một số nghệ sĩ nổi tiếng thì sự kiện vừa đề cập vẫn là trường hợp đáng chú ý đối với… báo chí cách mạng…
***
Livestream do bà Hằng thực hiện diễn ra vào tối 25/5/2021 và kéo dài khoảng ba giờ - đây là thời điểm mà trước nay, hệ thống truyền hình trong hệ thống truyền thông chính thức vẫn xác định là… giờ vàng (giờ có nhiều khán giả theo dõi nhất thành ra luôn được dành để phát những chương trình quan trọng nhất, hấp dẫn nhất nhằm tạo ra tác động lớn nhất cũng như có thể dùng để thu về nhiều tiền nhất từ quảng cáo). Số lượng người theo dõi livestream của bà Hằng cho thấy giờ vàng không còn là… vàng nữa!
Đã có cũng như sẽ còn nhiều người phân tích, vì sao càng ngày công chúng càng quan tâm đến ý kiến, nhận định của một số cá nhân chỉ là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, kể cả những cá nhân bị xem là vô công rỗi nghề như… Khá ‘Bảnh’, Huấn ‘Hoa Hồng’,…? Vì sao sự quan tâm càng ngày càng vượt xa phạm vi theo dõi nhằm giải khuây và nhiều cá nhân trở thành một loại vua không… ngai, rất tự tin khi thốt ra những lệnh như… truyền tấn công ai đó, nhóm nào đó?
Khi mạng xã hội càng ngày càng nhiều… ngôi sao có thể tác động, chi phối cả nhận thức công chúng lẫn dư luận, vai trò của hệ thống truyền thông chính thức càng ngày càng tụt giảm và thực tế cho thấy đa số đã rơi vào tình trạng dở sống, dở chết…
Nhân sự kiện một livestream của bà Hằng có khoảng nửa triệu người theo dõi, Lê Ngọc Sơn đặt câu hỏi: Nhà báo – anh ở đâu trong sự nhiễu nhương của đám nghệ sĩ nhố nhăng? Sơn bảo rằng nhiều năm nay ông luôn tự hỏi: Vì sao hiện tượng các nghệ sĩ nhố nhăng lên báo dạy đời, chửi luôn khán giả lại được o bế và chiếm nhiều không gian trên truyền thông đến thế? Câu trả lời tạm thời của Sơn dành riêng cho những nhà báo viết về văn nghệ - giải trí là phần lớn do sự lười biếng của báo chí chúng ta!
Sơn đã khái quát về sự lười biếng của cả những phóng viên viết về văn nghệ - giải trí lẫn Tòa soạn, trích: Một - khen bọn nghệ sĩ nhố nhăng lên mây. Cho thông tin gì, phang lên mặt báo thông tin đó. Không tự vấn, không suy tư phản biện lại. Khen được là cứ khen. Như một con bê, người ta đút cho gì thì nhai cái đó! Hai - Thích săm soi đời tư tào lao của đám nghệ sĩ đó, giàu như thế nào, ở nhà gì, đi xe gì, cặp với ai, chuyện gia đình, tình yêu, tình báo… hoặc là đăng chuyện cãi lộn, chửi nhau của bọn nghệ sĩ nhố nhăng này. Xin lỗi khi phải nói làm báo kiểu này rẻ tiền và không nền báo chí nào trên hành tinh này xem là làm báo có đẳng cấp cả. Hãn hữu lắm mới thấy vài bài toát lên chút tư tưởng, hay đọng lại những quan điểm nhân sinh đáng đọc, đáng nghĩ…
Nực cười hơn, vài bạn “phóng viên văn nghệ” bị nhiễm thói… nghệ sĩ. và sống với ảo ảnh mình cũng là nghệ sĩ. Nhiều bạn học đòi thói đa sầu đa cảm, bống bống bang bang, nuông chiều cảm xúc xem mình là bố đời, như là ta đây cứu cả thế nhân. Hùa theo đám nghệ sĩ để xem mình ở trên tất cả mà quên đi vai trò là công sứ của sự thật – một NHÀ BÁO. Nửa mùa đến thế là cùng! Tôi tiếp xúc đủ loại nhà báo Đông – Tây, không có kiểu nào nửa mùa như thế cả!
Xin nhớ cho, các bạn đang thực hiện thiên chức nhà báo mà nhà báo văn nghệ là ai? Là người thay mặt bạn đọc, là công sứ của sự thật, truyền tải nội dung để bán (trực tiếp hay gián tiếp) cho bạn đọc. Cao hơn nữa, hãy trở thành những người hiểu biết sâu về một lĩnh vực hẹp để cung cấp các góc nhìn và kiến thức về lĩnh vực đó cho bạn đọc hiểu. Thứ đó chính là giá trị gia tăng mà toà soạn của bạn có thể trao cho bạn đọc khi họ đọc tờ báo của bạn. Để được vậy, phải dụng công, sử dụng tư duy lý tính thay vì nhét cảm tính vào! Mà để có tư duy lý tính thì phải nâng cấp nền tảng tri thức - văn hoá (không cần bằng cấp), lý tưởng nghề nghiệp. Còn nếu thấy không muốn nâng cấp thì “lượn đi cho nước nó trong”, kiếm nghề khác cho làng báo đỡ mang tiếng.
Giờ đây mở tivi ra toàn là những chương trình giải trí nhảm nhí, nhăng cuội và tào lao. Trên mặt báo toàn chuyện khoe của, cãi lộn của bọn nghệ sĩ nửa mùa, văn hoá văn nghệ còi cọc làm sao! Cứ chiều chuộng nhu cầu thẩm mỹ dạng thấp này thì bạn đọc và con cháu chúng ta sẽ học hỏi được gì?... (2)
Sơn kết thúc khái quát của mình bằng một câu hỏi: “Bạn có biết vì sao streamer Nguyễn Phương Hằng đạt kỷ lục mà không nhà báo hay toà soạn nào có thể đạt được không? Tự động não chút nhé để thấy sự cáo chung của cách làm báo mỹ ký!”
Một nhà báo - ông Phạm Trung Tuyến, Giám đốc kênh Giao thông của VOV, nhận xét: Livestream của bà Hằng hút khán giả đơn giản vì nội dung tốt. Bà nói về con người, về lẽ sống, về những điều mà nhiều người đang quan tâm và chứng minh được bà không bị sức ép nào. Nội dung bà Hằng nói, có thể đúng, có thể sai, nhưng quan trọng là người nghe có lý do để tin bà Hằng nói thật nghĩ suy nghĩ của bà. Đó thực sự là sự rạch ròi mà hiện nay nhiều cơ quan truyền thông chuyên nghiệp chưa hoặc không làm được (3).
Đã có những người sử dụng mạng xã hội gọi bà Hằng là “hiện tượng truyền thông” như ông Trần Quốc Quân. Ông Quân ví bà Hằng như “quả bom tấn” làm rung chuyển các “định chế” từ truyền thông, showbiz, đến pháp luật, y tế, giáo dục... len lỏi tới mọi gia đình, mọi ngóc ngách xã hội. Theo ông Quân, một trong những lý do giúp bà Hằng thành công là bà quyết liệt, thẳng thắn, bộc trực và nhất là không dối trá. COVID-19 làm thay đổi cả thế giới. Nguyễn Phương Hằng làm thay đổi một phần đất nước này, ít nhất là trong cách làm truyền thông, trong cách làm từ thiện, trong ảo tưởng quyền lực showbiz và ứng xử của xã hội đối với giới nghệ sỹ (4)...
***
Không phải tự nhiên mà công chúng đem livestream của bà Hằng hôm 25/5/2021 so với hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thông chính thức. Sau một thời gian dài chủ động làm ngơ những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, những vấn nạn chính trị, xã hội càng ngày càng trầm trọng để không bị chính quyền… “cạo đầu, bôi vôi”, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam tụt dần xuống đáy, phương thức duy nhất để có khán giả, giữ được độc giả, kiếm được tiền nuôi nhau là hướng vào đủ loại chuyện tầm phào.
Càng ngày càng nhiều cơ quan truyền thông chính thức chỉ còn vỏ, không có ruột và để vẫn còn được hoạt động, vẫn được xem như một yếu tố cấu thành… báo chí cách mạng, khai thác các khía cạnh liên quan đến đời tư ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, đại gia,… chạy theo những sự kiện giật gân, rồi lồng ghép, sắp đặt biến các sản phẩm báo chí trở thành một dạng quảng cáo trá hình… đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức.
Tuy nhiên điều đó không cứu được các cơ quan truyền thông chính thức, cũng vì vậy, livestream do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện tối 25/5/2021 mới được thiên hạ xem là ví dụ để khuyến cáo các cơ quan truyền thông chính thức.
Ai, nơi nào đã xóa sạch thiện cảm, niềm tin của công chúng vào các nhà báo nói riêng và hệ thống truyền thông chính thức nói chung. Vì lẽ gì mà ở cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần trước, công chúng ở TP.HCM thẳng tay loại bỏ năm ứng cử viên đại diện cho lĩnh vực báo chí – xuất bản được Mặt trận Tổ quốc chọn, giới thiệu tranh cử vào Hội đồng nhân dân của thành phố này (5)? Ai? Nơi nào đã khiến ông Nguyễn Như Phong, một nhà báo kỳ cựu ở Cộng hòa XHCN Việt Nam tin rằng: Nhà báo phải như… con chó?
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=w9Pq1QUbpOQ
(2) https://www.facebook.com/lengocson.expert/posts/10223343795240457
(3) https://ngaynay.vn/giai-ma-hien-tuong-phuong-hang-post107948.html
(4) https://www.facebook.com/van.conghung.9/posts/4011340295645897
(5) https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de/posts/10216107060863984