Đường dẫn truy cập

Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’


Ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công, đốt trúng cả lò “Đoàn Phái” của Võ Văn Thưởng.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công, đốt trúng cả lò “Đoàn Phái” của Võ Văn Thưởng.

Bà Võ Thị Ánh Xuân có thể nói đã chiếm một kỷ lục mới trong sinh hoạt chính trị thế giới. Trong cùng một nhiệm kỳ chủ tịch nước, thường kéo dài 5 năm, bà đã lên giữ chức “quyền chủ tịch” tới hai lần, trước sau cách nhau chỉ hơn một năm.

Cuối tháng Giêng năm 2023, bà Ánh Xuân lên chức khi ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bị truất phế, một tháng rưỡi mới thôi. Cuối tháng Ba năm nay, bà lại phải lên ngồi ghế chủ tịch lần nữa, thế chân ông Võ Văn Thưởng!

Bà Ánh Xuân lập kỷ lục nhờ tài “Đốt Lò” của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chiến dịch “Đốt Lò” bắt đầu từ năm 2016, phải công nhận ông Trọng đã quạt lò rất mạnh, than củi cháy với tốc độ quá nhanh, khối kẻ không kịp chạy.

Sáng ngày 21 tháng Ba, 2024, ông Võ Văn Thưởng đã “xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác,” nói theo thông cáo của nhà nước. Nói thực tế, ông Thưởng đã “được Quốc hội miễn nhiệm” chức vụ chủ tịch nhiệm kỳ 2021 – 2026, do đó mất luôn chức chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; mất cả ghế ngồi trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chức đại biểu Quốc hội. Chính ông Thưởng cũng chiếm hai kỷ lục. Ông là chủ tịch nước trẻ nhất khi mới 53 tuổi, và cũng ngồi ghế chủ tịch trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam cộng sản.

Tại sao ông Võ Văn Thưởng rớt nhanh như vậy? Thực ra Quốc hội chỉ thi hành quyết định của Trung ương Đảng họp ngày hôm trước. Thông cáo của Trung ương Đảng xác nhận ông Thưởng là “cán bộ lãnh đạo chủ chốt” của Đảng và Nhà nước nhưng đã “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.” Không hề giải thích đảng viên bị cấm không được làm những cái gì mà ông Thưởng vẫn cứ làm. Thông cáo cũng nói ông Thưởng đã “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.” Cũng không nói dư luận ở đâu ra hay uy tín có hay không mà bị mất những gì!

Hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đều mất chức vì những lý do rất giống nhau. Cả hai đều “chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu” và “vi phạm về những điều đảng viên không được làm.” Nói khơi khơi, nói chung chung như thế, dân muốn hiểu sao cũng được. Không một tờ báo nào hay một đại biểu quốc hội nào dám yêu cầu nói rõ chi tiết! Nếu nói đến những tội cụ thể như “ăn hối lộ” hoặc “lạm dụng quyền thế” thì chắc phải đưa ra tòa án xử. Không nói gì hết thì đây chỉ là chuyện “nội bộ” của đảng Cộng sản; toàn dân không được phép nhòm ngó! Có một quy tắc thời phong kiến ở Trung Quốc và Việt Nam: “Hình bất thượng đại phu” – luật pháp không áp dụng lên tới các vị quan lớn! Cả một đảng chính trị nắm toàn quyền sinh sát gần 100 triệu dân, nhưng hành động hoàn toàn trong vòng bí mật! Luật lệ chỉ dùng để xử đám dân quèn, các lãnh tụ đảng đều ngồi bên trên luật pháp.

Những vụ thanh toán nội bộ trong các đảng Cộng sản thường diễn ra từng đợt; khi một phe cánh thắng thế gạt bỏ một bè phái khác. Một ngày trước khi Võ Văn Thưởng bị hạ bệ, công an đã bắt giam năm cán bộ cao cấp các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long. Tỉnh Vĩnh Long là quê của ông Thưởng; còn Quảng Ngãi là nơi ông Thưởng từng làm quan đầu tỉnh.

Người bị bắt đáng chú ý nhất là bà Hoàng Thị Thúy Lan, bị khai trừ khỏi đảng một ngày trước khi ông Thưởng bị cách chức. Bà Thúy Lan là ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Bà bị tố cáo “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” trong “Tập đoàn Phúc Sơn.” Nói nôm na là tội tham nhũng. Nguyễn Văn Hậu (tức “Hậu Pháo”), chủ tịch Công ty Phúc Sơn; và Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng bị bắt. Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng bị “thi hành kỷ luật.” Ông Võ Văn Thưởng từng làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi trong thời gian Đặng Văn Minh phạm các tội bị tố.

Điều đặc biệt là những hành vi “phạm kỷ luật” kể trên đã xảy ra lâu lắm rồi, nhưng đến bây giờ mới bị khui ra, cho thấy cả một phe phái đang thất thế trong cuộc tranh giành quyền lực.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan từng là ủy viên Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản trong thời gian ông Võ Văn Thưởng đóng vai lãnh đạo, từ năm 2006 đến 2011, giữ chức bí thư thường trực, rồi lên chức bí thư thứ nhất. Trước khi bà Lan “bị đốt lò,” hai “nhân vật uy tín” trước kia trong Đoàn Thanh Niên Cộng sản cũng vừa mới bị truy tố. Nhà báo Nguyễn Công Khế từng làm tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 1988 đến năm 2008, và người kế nhiệm Nguyễn Quang Thông, bị tố cáo đã “bán đất công cho tư nhân!” Chắc chắn các cán bộ Đoàn Thanh Niên có bán đất công cũng không có cơ hội bán nhiều bằng các ông tướng, tá trong quân đội! Nhưng đối với người sống trong các xã hội có luật pháp, tội “bán đất công cho tư nhân” là một điều không thể hiểu nổi!

Báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh Niên Cộng sản. Hai ông Khế và Thông bị tố cáo phạm tội bán đất không phải của mình vào khoảng năm 2008, là lúc Võ Văn Thưởng đang cầm đầu Đoàn. Tức là ông Thưởng chắc đã phải chuẩn y cho hai vị tổng biên tập bán đất công! Hoặc ít nhất ông cũng chịu trách nhiệm để cho đàn em làm bậy! Nhưng phải đợi 16 năm, tới đầu năm 2024 hai nhà báo mới bị truy tố!

Hoàng Thị Thúy Lan, Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông trước đây đều là thuộc hạ của Võ Văn Thưởng trong Đoàn Thanh Niên Cộng sản. Họ cùng bị “đốt lò” trong vòng hai tháng trước khi Thưởng bị đốt. Câu chuyện này khiến chúng ta nhớ đến chiến dịch “Đả Hổ” của Tập Cận Bình. Bình đã truy tố và bỏ tù nhiều người trong giới lãnh đạo Đoàn Thanh Niên Cộng sản Trung Quốc, là “chiến khu” của phe Hồ Cẩm Đào, người từng cầm đầu Đoàn Thanh Niên. Đám tay chân trong Đoàn Thanh Niên được nâng đỡ khi Đào lên làm Tổng bí thư; được dư luận đặt tên là “Đoàn Phái.”

Ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công, đốt trúng cả lò “Đoàn Phái” của Võ Văn Thưởng. Nhưng “Đốt Lò” cũng phải cẩn thận, kẻo cháy tay. Ngay sau khi có tin đồn Thưởng sắp bị đốt, sáng Thứ Hai 19 tháng 3, Chỉ số Thị trường Chứng khoán Sài Gòn đã tụt giốc, mất đến 3%.

Tại sao họ lại bỏ của chạy lấy người? Vì đầu tư lo nhất là rủi ro, bất trắc. Hiện tượng một phe trong hàng ngũ lãnh đạo hạ thủ phe khác khiến người ta cảm thấy tương lai có vẻ “bất trắc” hơn. Chỉ trong 14 tháng mà hai ông chủ tịch nước rớt đài thê thảm thì hơi nhiều quá!

Hơn nữa, ai cũng biết rằng guồng máy cai trị của các chế độ độc tài chỉ chạy nhờ một thứ “xăng dầu” là “cơ hội tham nhũng.” Vào đảng là để có tiền! Một người cháu tôi, con liệt sĩ nhưng thường bị các bạn chê là “không biết phấn đấu vào đảng” đã khoe với tôi rằng, “Cháu bảo chúng nó, ‘Tao chẳng vào Đảng tao cũng có tiền.’” Không bòn rút ra tiền thì vào làm gì?

Còn chế độ độc tài đảng trị thì đốt lò đến hết thế kỷ 21 cũng không hết tham nhũng! Ông Trọng đốt lò suốt 7, 8 năm nay, nhưng một bản báo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (U.N. Development Programme) công bố tháng Ba năm 2023 vẫn công nhận ở Việt Nam 90 phần trăm những người muốn có “Quyền sử dụng đất” đều phải hối lộ mới được cấp giấy chứng nhận, theo tin Reuters.

Một hậu quả của chiến dịch đốt lò, là các quan chức đã “lãn công,” để phản đối thầm lặng, không tiến hành các dự án đúng thời hạn, lấy cớ đề phòng tham nhũng! Một người làm cố vấn cho các công ty ngoại quốc nói với các phóng viên Reuters rằng việc hạ bệ Võ Văn Thưởng sẽ làm cho bộ máy thư lại chạy chậm hơn nữa, vì lo lắng không biết mình sẽ trúng đạn hay không. Vụ đánh “Đoàn Phái” lại đem khơi lại những chuyện nhũng lạm từ hàng chục năm trước, xưa nay ai cũng coi đó là chuyện bình thường. Trong hàng ngũ cán bộ, những người có “tuổi đảng” vài chục năm trở lên, bao nhiêu người đang lo lắng không biết bao giờ đến lượt mình?

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG