Đường dẫn truy cập

Khởi tố 'đệ ruột anh Hai', ông Trọng mang lò vào Sài Gòn


Lê Thanh Hải thời còn tại chức, hàng sau, bên trái.
Lê Thanh Hải thời còn tại chức, hàng sau, bên trái.

Sau 4 tháng ‘nhóm củi’, ‘lò’ của Tổng bí thư Trọng dường như đã hoàn tất quá trình khởi động để bắt đầu cháy và thiêu đốt giới một danh sách đen những quan chức TP.HCM ‘nhúng chàm nhưng không chịu gột rửa’.

‘Đệ ruột Anh Hai’

Sau vụ Đinh La Thăng, Nguyễn Hữu Tín là cái tên quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền TP.HCM, dù đã nghỉ hưu, chính thức bị đưa vào vòng tố tụng hình sự với hai động tác đầu tiên là khởi tố và khám xét nhà - do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành vào ngày 18/9/2018 - vì liên quan vụ Vũ ‘Nhôm’.

‘Điểm sáng’ rõ nhất của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.

Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.

Song phần lớn thời gian của Nguyễn Hữu Tín là trên cương vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố,trong đó có phụ trách về mảng nhà đất - địa chỉ mà đã sinh sôi nảy nở những mối quan hệ đen tối với Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ và công ty bình phong của Vũ mà đã góp công giải tán luôn cả Tổng cục tình báo của Bộ Công an vào năm 2018.

Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy TP.HCM vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.

Lò ‘tiến về Sài Gòn’

Vào quý 2 năm 2018 khi nổ ra vụ bắt hai cựu chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vì dính đến vũ ‘Nhôm’, đã râm ran tin ngoài lề là sắp bắt cả một số quan chức TP.HCM bị liên đới, trong đó có Nguyễn Hữu Tín. Tuy nhiên sau ít tháng và sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị đưa ra tòa xét xử với tội danh đầu tiên là ‘cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’ cùng mức án 9 năm tù giam, những dấu hiệu ‘đốt lò’ ở Sài Gòn tạm lắng xuống, dành chỗ cho chiến dịch xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và ‘thay máu’ cơ quan được xem là ‘siêu bộ’ này.

Cũng vào thời gian trên, một động thái khởi động khác của ‘lò’ Nguyễn Phú Trọng, hay chính xác hơn là ai đó đã ‘mượn lò’ ông Trọng để mưu tính ‘đốt’ một số quan chức đương chức trong khối chính quyền và thành ủy TP.HCM, trong đó có những cái tên Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy, Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, kể cả Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố… Hai ‘chuyên án’ từ vừa tới lớn được tung ra là vụ Thành ủy TP.HCM bán trái pháp luật 32 ha đất Nhà Bè với giá bèo cho tư nhân, và vụ khiếu nại tố cáo kéo dài ròng rã hai chục năm trời ở Thủ Thiêm - một cứ điểm sinh tử trong cuộc tranh chấp giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với nhóm quyền lực - lợi ích cũ.

Tuy nhiên, phải đến đầu tháng Chín năm 2018, một bản kết luận kiểm tra về vụ Thủ Thiêm mới được Thanh chính chính phủ công bố theo ‘đồng ý của thủ tướng’ (Nguyễn Xuân Phúc). Cũng là lúc mà có dư luận cho rằng mưu đồ ‘đi đêm’ giữa hai nhóm lợi ích mới và cũ đã không mấy thành công vì một số nguyên do nào đó mà đã dẫn đến quan điểm ‘xử thẳng tay’ trở nên minh bạch hơn trước công luận.

Quan điểm ‘xử thẳng tay’ bước đầu đã thể hiện bởi việc khởi tố Nguyễn Hữu Tín và ba quan chức khác là Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Lê Văn Thanh - Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM và Nguyễn Thanh Chương - Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM.

Sáu tháng sau khi khai hỏa ‘mặt trận Đà Nẵng’, điểm nổ tiếp theo rõ ràng đã ‘tiến về Sài Gòn’. Vụ án Vũ ‘Nhôm’ đã bước sang giai đoạn 2 về ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’, kéo theo vòng lao lý của nhiều quan chức dân sự chứ không chỉ là quan chức Bộ Công an như trước đây.

So với Đà Nẵng, ‘mặt trận Sài Gòn’ tập trung nhiều hỏa lực hơn hẳn và rất có thể sẽ xảy ra ác liệt hơn nhiều. Đã từ nhiều năm qua và đặc biệt dưới thời Lê Thanh Hải, TP.HCM được xem là nơi ‘bất khả xâm phạm’. Vào năm 2016, ngay cả vụ Bộ Công an bắt Trần Phương Bình - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á là nơi mà Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn nhất - cũng chẳng một quan chức TP.HCM nào bị hề hấn gì.

Hai thanh ‘bảo kiếm’

Khác khá nhiều so với bối cảnh thời gian trước, chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng vào thời gian này được hỗ trợ đắc lực bởi hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra thuộc Bộ Công an - hai cứ điểm mà ông Trọng đã chiếm gọn vào đầu tháng Tám năm 2018.

Ngày 10/8/2018, Bộ trưởng công an Tô Lâm đặt bút ký hai quyết định liên tiếp bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an, và bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an.

Hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra được xem là là hai cục đặc biệt quan trọng trong Bộ Công an, mang quyền ‘sinh sát’ đối với các bộ ngành khác và khối các tỉnh thành ở Việt Nam.

Quyết định trên là đặc biệt quan trọng trên bàn cờ nhân sự nội bộ của Nguyễn Phú Trọng: cả hai thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương - được giới quan sát chính trị đánh giá là ‘cận thần’ của Tổng bí thư Trọng.

Chẳng bao lâu sau sự kiện đảo lộn bàn cờ nhân sự trên, chuyến công du Nga của Tổng bí thư Trọng vào đầu tháng Chín năm 2018 đã được tháp tùng không phải bởi Bộ trưởng công an Tô Lâm mà là Thứ trưởng Bùi Văn Nam - như một tín hiệu về khả năng ‘thay ngựa giữa dòng’ có thể xảy ra trong thời gian tới.

Khỏi phải nói, với việc chiếm lĩnh được hai cứ điểm lợi hại trên, ông Trọng đã nắm gọn trong tay hai thanh kiếm sắc bén và cả sắc máu. Việc chiếm lĩnh hai cứ điểm trên cùng hỏa lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong hai cứ điểm này sẽ tác động đến phần lớn mặt trận chính trị Việt Nam. Một lần nữa sau một cơn suy trầm, Tổng bí thư Trọng lại vươn lên thế thượng phong trước các đồng chí của ông. Có được hai cục công an ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’, ông Trọng sẽ tha hồ đánh đông dẹp bắc trong nội bộ đảng.

Đánh từ ngoài vào trong

Nước cờ mà Nguyễn Phú Trọng đang đi trên bàn cờ ‘mặt trận TP.HCM’ có vẻ không khác mấy so với cách chơi cờ của ông Trọng vào cuối năm 2017 tại ‘mặt trận Đà Nẵng’ - đánh từ vòng ngoài vào trong và khiến đối phương, đặc biệt những kẻ chưa biết khi nào mình bị bắt, rơi vào tâm trạng khủng hoảng tâm lý. Trước tết nguyên đán năm 2018, đã râm ran tin đồn ‘sẽ bắt hai nguyên chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến’. Sau tết là bắt thật.

Vụ khởi tố đối với Nguyễn Hữu Tín, cựu chức chứ không phải đương chức, có thể xem là ‘đánh vòng ngoài’ ở TP.HCM.

Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về ‘Bộ Công an đang điều tra Tất Thanh Cang’ và ‘có thể bắt Cang’, bất chấp khi đó có một luồng dư luận ngược lại - có thể do nhóm của ông Cang chủ động tung ra - về việc ‘Tất Thành Cang đã thoát’.

Còn sau 2/9, tin tức ngoài lề còn tản rộng hơn nữa với không chỉ Tất Thành Cang mà còn thêm vài ba quan chức cao cấp và đương chức nữa ở TP.HCM sẽ phải ‘xộ khám’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG