Đường dẫn truy cập

Đội bóng 5,4 triệu cầu thủ nhưng chỉ một mình một sân


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đảng cộng sản Việt Nam bước vào đại hội lần thứ 13 vào tháng Một năm 2021 với số đảng viên đông kỷ lục.

Vào đầu năm nay, số đảng viên ở Việt Nam được cho là ở con số 5,2 triệu, tăng khoảng 150.000 so với năm trước đó. Với đà tăng này, số đảng viên cộng sản sẽ tiến tới gần 5,4 triệu vào đầu năm 2021.

Con số đảng viên tại các đại hội 12, 11 và 10 lần lượt là 4,5 triệu, 3,6 triệu và 3,1 triệu.

Đây là những con số khổng lồ nếu đem so với số đảng viên ở những quốc gia dân chủ, chẳng hạn nền dân chủ già đời tại Anh.

Đảng Bảo thủ đương quyền của Thủ tướng Boris Johnson chỉ có 180.000 đảng viên. Đảng đối lập chính, Đảng Lao động, có số đảng viên gần gấp ba, chủ yếu nhờ cựu lãnh đạo Jeremy Corbyn có đường lối cực tả khá gần gũi với xu hướng xã hội chủ nghĩa.

Và chuyện lãnh đạo Đảng Lao động ở Anh kéo thêm được nhiều trăm ngàn đảng viên mới nhưng vẫn thất cử cả ba lần kể từ năm 2010 cho thấy không phải cứ tăng số đảng viên có nghĩa là tăng sự ủng hộ của dân chúng nói chung.

Cử tri tại nhiều nước tư bản không thích các chính sách nằm ở hai thái cực cho dù đó là cực tả hay cực hữu. Họ thường ủng hộ các chính sách chung dung. Chính sách cực tả của cựu lãnh đạo Jeremy Corbyn trong đó có quốc hữu hoá một số doanh nghiệp và tăng thuế khiến Đảng Lao động có kết quả bầu cử tệ hại nhất kể từ thập niên 1930 trong lần bầu cử năm ngoái. Kết quả thảm hại đó cũng khiến ông Corbyn phải từ chức.

Không phải tự nhiên mà Đảng Cộng sản không muốn đá bóng với bất kỳ đối thủ nào khác trên sân chính trị. Số lượng đảng viên trên 5 triệu không đảm bảo họ sẽ chiến thắng nếu đối thủ cạnh tranh có những chính sách được lòng dân hơn.

Nhưng chuyện chấp nhận bỏ độc quyền làm kinh tế của nhà nước từ gần 40 năm nay nhưng vẫn khư khư ôm độc quyền chính trị cho thấy hai điều.

Thứ nhất đó là tiêu chuẩn kép khi công nhận rằng có cạnh tranh sẽ có tiến bộ nhưng lại nói điều đó không áp dụng duy nhất trong một lĩnh vực đó là chính trị.

Thứ hai nó cho thấy tư duy lạc hậu, như hồi xưa, hơn 100 năm trước, có người thấy đèn điện mới hỏi ‘sao lại treo đèn ngược thế kia’. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị thực sự là đổi mới trong công nghệ cai trị, dù về bản chất nó vẫn là cai trị. Độc quyền chính trị là bóng đêm trong khi sự tham gia của nhiều xu hướng và đảng phái khác nhau là ánh sáng buộc lực lượng cai trị phải làm việc minh bạch. Bóng đêm độc quyền khiến các quan như Đinh La Thăng hay Nguyễn Đức Chung dễ bề thao túng quyền lực để phục vụ cho thân hữu. Những phường ưa thích bóng đêm nhìn chung thường là đạo tặc hay ít nhất là những kẻ có nhiều thứ để che giấu.

Vài tháng trước khi Đại hội 13 diễn ra, Phạm Đoan Trang, một người bạn Facebook của tôi và người tôi từng nhiều lần hỏi chuyện, đã bị bắt. Tôi thường không quan tâm tới lý do chính thức chính quyền đưa ra khi bắt các nhà hoạt động vì nó là cách nói mơ hồ và võ đoán để giấu nhẹm đi lý do chính – họ sợ bị lột trần truồng trên vũ đài chính trị. Nó hoàn toàn hợp với tư duy thích bóng đêm, thích đi đêm của đảng độc quyền. Bất cứ ai lật mặt nạ của chính quyền đều sẽ phải trả giá.

Không phải không có những nhà lãnh đạo phương Tây sẵn sàng trả thù các nhà chỉ trích nếu họ có thể làm vậy. Chỉ có điều báo chí sẽ nhìn ngó, các quan toà sẽ bác bỏ những vụ kiện trả thù và quốc hội sẽ lên tiếng đòi công lý cho những công dân thực hiện quyền con người theo hiến pháp.

Còn ở Việt Nam thì sao? Đảng bảo im là báo chí im. Đảng bảo kết án là toà kết án. Đảng bảo gật là các ông bà nghị, hầu hết là đảng viên, sẽ gật ngoan như cừu gặm cỏ.

Thế nhưng mới tháng trước Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn dẫn lời Pavel Korchagin trong Thép Đã Tôi Thế Đấy để khuyên bảo các đảng viên: “Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời…”

Quả là nói vậy nhưng hành động không hề như vậy. Và nó phần nào giải thích cho việc Việt Nam nằm trong 20 nước hàng đầu về dân số nhưng về mặt phát triển thường nằm gần cuối top 100.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG