Sau vụ một chung cư mini ở Hà Nội bị hỏa hoạn khiến hàng chục người tử vong, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói rằng có người “chống lưng” cho các công trình xây dựng nhà ở vi phạm luật ở thành phố và kêu gọi xem xét trách nhiệm các cán bộ địa phương trong vụ cháy, theo truyền thông trong nước.
Vụ hỏa hoạn hôm 12/9 tại một tòa nhà chung cư quy mô nhỏ với chỉ một lối thoát duy nhất và không có thang thoát hiểm bên ngoài đã khiến 56 người thiệt mạng. Thảm kịch được xem là kinh hoàng nhất trong 2 thập niên qua ở Việt Nam đã khiến chính quyền phải ra lệnh kiểm tra các tòa nhà chung cư mini trên toàn quốc và kiểm điểm trách nhiệm 3 tổ chức Đảng.
Chủ chung cư cao 10 tầng, được gọi là “mini”, ông Nghiêm Quang Minh, đã bị bắt giam để điều tra về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Nói với báo chí bên lề một hội nghị ở Hà Nội hôm 18/9, ông Nghị cho rằng ngoài chung cư mini bị cháy ở phố Khương Hạ, thuộc quận Thanh Xuân, còn có nhiều công trình vi phạm khác, như xây vượt số tầng cho phép, vẫn đang được sử dụng ở thành phố. Theo VnExpress, cựu lãnh đạo Hà Nội cho rằng đằng sau những công trình vi phạm này là “những thế lực chống lưng”.
Ông Nghị cho biết bên lề Hội nghị lấy ý kiến của các cán bộ nguyên lãnh đạo TP Hà Nội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rằng có công trình “vi phạm lập biên bản xử phạt xong lại cho tồn tại.” Cựu lãnh đạo Hà Nội được VnExpress nói chủ đầu tư “mong được phạt để hợp thức hóa vi phạm, vì lợi nhuận từ sai phạm lớn hơn tiền xử phạt rất nhiều.”
Chính vì vậy, theo ông Nghị, khi xử lý những vụ vi phạm như vậy chính quyền “không chỉ đương đầu với chủ công trình mà còn cả thế lực chống lưng đó.” Ông Nghị không nói rõ đó là các thế lực nào hay đưa ra cụ thể tên ai.
Thống kê của Điện lực Hà Nội cho biết có khoảng 2.000 chung cư mini ở thành phố thủ đô của đất nước, tập trung ở 6 quận, trong đó có Thanh Xuân, theo VnExpress.
Khi góp ý vào Dự thảo, ông Nghị đề nghị mức phạt vi phạm trong xây dựng tại Hà Nội phải cao hơn những địa phương khác, thậm chí là gấp 50 lần, nhằm hạn chế và ngăn ngừa vi phạm, theo Tiền Phong.
Tìm hiểu của Người Lao Động cho thấy tại Hà Nội, ngoài chung cư bị cháy hôm 12/9, ông Minh còn là chủ đầu tư hoặc chung tên cùng người khác đầu tư, xây dựng hàng loạt chung cư mini khác, trong đó có tòa xây vượt tầng so với giấy phép quy định. Đặc điểm chung của các chung cư mini của ông Minh, theo Người Lao Động, là hầu hết đều vi phạm trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay “không có thuật ngữ chung cư mini” bởi đây là cách gọi do người ta tự đặt ra cho các tòa nhà quy mô nhỏ, theo VnEpress.
Ông Nguyễn Thế Thảo, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội từ năm 2007-2015, được VnExpress trích lời cho biết rằng cơ chế chính sách hiện nay chưa quy định rõ loại hình nhà ở này, chưa định nghĩa thế nào là chung cư mini. Do vậy, theo ông Thảo cho biết khi góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô, pháp luật cần bổ sung quy định về chung cư mini để khắc phục tồn tại hiện nay là “biến tấu nhà ở riêng lẻ thành chỗ trọ, tạo tiềm ẩn rủi ro.”
Theo giấy phép được quận Thanh Xuân cấp mà VnExpress trích dẫn, công trình mới bị hỏa hoạn vốn chỉ được phép xây dựng nhà ở riêng lẻ 6 tầng nhưng “chủ đầu tư đã biến công trình nhà ở thấp tầng thành chung cư mini cao 10 tầng, chia thành 45 căn hộ để bán.
Sau vụ cháy, ông Đặng Hồng Thái, nguyên phó chủ tịch quận Thanh Xuân cho biết từng ra quyết định xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm này và giao cho phường Khương Đình thực hiện. “Còn tiếp theo thế nào thì tôi không biết,” ông Thái được VnExpress trích lời nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng hôm 15/9 chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng là Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân và Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, liên quan đến vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ.
Diễn đàn