Nhiều người Việt Nam đang tị nạn tại Thái Lan bức xúc việc văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Bangkok chậm mở cửa trở lại sau đại dịch, dẫn đến việc thẻ tị nạn của họ bị hết hạn và có nguy cơ bị an ninh nước sở tại bắt giữ.
Mặc dù Thái Lan đã mở cửa cho du khách quốc tế, các công sở và doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường từ tháng 11/2021, nhưng văn phòng UNHCR tại đây vẫn cửa đóng then cài, gây khó khăn cho người tị nạn khi cần gia hạn giấy tờ hay cập nhật tình trạng nhân thân của họ.
Ông Trần Văn Long, người có nhiều năm xin tị nạn tại Thái Lan và được UNHCR cấp quy chế tạm từ tháng 1/2021, nói với VOA:
“Thẻ của tôi đã hết hạn hơn tuần nay rồi mà tôi gọi các nơi các chỗ không có ai trả lời hết. Hầu như đại đa số thẻ của các anh em tị nạn đều hết hạn như thế.
“Thẻ của tôi chỉ là thẻ tạm, chưa được cấp quy chế tị nạn.
“Tôi muốn trao đổi hay hỏi cái gì đó với cơ quan UNHCR này thì rất là khó. Thời gian vừa qua họ đóng cửa nên hỏi cũng không được, mà điện thoại vào cũng không được.”
Ông Đường Văn Thái, một cựu nhà báo Việt Nam được UNHCR cấp quy chế tị nạn, chia sẻ những khó khăn về việc chứng minh thư UNHCR có hiệu lực một năm nhưng nay đã hết hạn:
“Chúng tôi có đăng ký tạm trú tại chính quyền địa phương ở đây và họ kiểm tra thẻ UNHCR của chúng tôi. Hiện nay rất nhiều bị hết hạn. Và chuyện liên lạc với văn phòng UNHCR cực kỳ khó khăn. Họ có số tổng đài mà gọi vào 50 cuộc vẫn không bao giờ bắt máy.
“Họ có gia hạn thẻ trên hệ thống online của họ, nhưng chúng tôi cần thẻ cứng để làm giấy tờ tùy thân để trình cho cảnh sát”.
“Hôm nay tôi bức xúc việc là tôi lên đến đó thì bị bảo vệ đuổi về”, ông Đường cho biết thêm, nói thêm rằng ông gửi yêu cầu qua email cho văn phòng này thì không bao giờ được phản hồi.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Trúc Phương, người chạy trốn sự bắt bớ của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sau khi tham gia các cuộc biểu tình hồi năm 2018 và được UNHCR cấp quy chế tị nạn từ đầu năm 2021, nói với VOA rằng bà không quá bận tâm việc thẻ của bà bị hết hạn.
“Chỉ khi nào thật cần thiết hoặc gặp trường hợp cấp bách thì mình mới liên lạc với họ. Họ cũng thông báo rằng thẻ được gia hạn trong hệ thống điện tử của họ.”
Trao đổi với VOA qua email, UNHCR ở Thái Lan cho biết rằng do tình hình đại dịch COVID-19 hiện tại, “UNHCR ở Thái Lan đang đặc biệt giảm đáng kể các hoạt động của mình theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để duy trì giãn cách xã hội, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và hạn chế sự lây lan của virus. Theo đó, sẽ không có hoạt động gia hạn thẻ trực tiếp nào diễn ra trong giai đoạn này và văn phòng Lễ tân UNESCAP của chúng tôi đã đóng cửa”.
Văn phòng UNHCR cho VOA biết rằng các thẻ UNHCR hết hạn trong thời gian này sẽ được tự động gia hạn cho đến ngày 28/2/2022.
“Sau khi UNHCR tiếp tục hoạt động thường xuyên, Văn phòng sẽ liên hệ trực tiếp với các cá nhân để đặt lịch hẹn gia hạn thẻ UNHCR,” Văn phòng Cao ủy Tị nạn LHQ cho biết thêm.
Người Việt tị nạn ở Thái Lan hiện không có trại tị nạn, sống bấp bênh và phải tự bươn chải. Họ sống lẫn lộn với người dân Thái Lan ở các thành thị nên được gọi là “tị nạn thành thị” (urban refugees). Trong khi chính phủ Thái Lan xem mọi người đào tị là di dân bất hợp pháp, và những người tị nạn này có thể bị chính quyền nước sở tại bắt bất cứ lúc nào.
Theo tổ chức BPSOS, hiện nay có khoảng 800 người Việt Nam đã được xét có quy chế tị nạn tại Thái Lan, và ước khoảng 700 đến 800 người Việt tại đây chưa có quy chế tị nạn hoặc đã bị từ chối quy chế tị nạn.
Nhiều người trong số họ phải chờ ròng rã nhiều năm để có cơ hội đi định cư ở các nước thứ ba, và tình hình dịch bệnh khiến quá trình xin tị nạn của họ có thể kéo dài thêm, chưa kể các nước hiện đang có chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn.