Đường dẫn truy cập

Người Việt ở Nhật được tiếng tốt


Một nhóm người lao động xuất khẩu của Việt Nam tại một sân bay. Hình minh họa.
Một nhóm người lao động xuất khẩu của Việt Nam tại một sân bay. Hình minh họa.

Trong chuyến đi du lịch Nhật Bản vừa qua, tôi đã gặp rất nhiều người Việt đang làm việc ở các khách sạn, tiệm ăn. Theo thống kê của chính phủ Nhật, tháng Ba năm thứ 6 niên hiệu Lệnh Hòa tức là năm 2024, có 565,026 người Việt Nam sống tại nước Nhật, ít hơn 821,838 người Trung Quốc, và cao hơn con số 410,156 người Hàn Quốc. Nhưng trong số người cư ngụ bất hợp pháp thì năm 2023 người Việt đứng đầu sổ, 15,806 người, tăng thêm 2,098 người so với năm trước. Đứng hàng thứ nhì là Thái Lan, với con số 11,494, tăng 1,945 người; hạng ba là 10,869 người Hàn Quốc và 6,881 người Trung Quốc đứng hạng tư.

Hãng thông tấn Nikkei cho con số tương tự: Trong số hơn 2 triệu công nhân ngoại quốc đang làm việc ở Nhật, người Việt Nam đông nhất với 518,364 người, chiếm hơn một phần tư; sau đó tới 397,918 người lao động Trung Quốc và 226,846 người Philippines. Một lý do khiến người Việt qua Nhật tìm việc là lương bổng cao hơn. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), dân các nước nghèo sẽ ngưng không đi tìm việc ở nước ngoài nếu lợi tức bình quân lên tới $7,000 đô la một năm. Lợi tức theo đầu người ở Việt Nam chính thức là $4,163 đô la một năm, so với $33,823 ở Nhật. Nhưng theo Nikkei, lương trung bình ở Việt Nam năm 2022 là $320 đô la một tháng.

Người nước ngoài ở Nhật không chỉ làm những việc lao động. Nhiều người ngoại quốc được cấp chiếu khán vì “khả năng chuyên môn” (specified skilled workers). Năm ngoái, trong số người có “khả năng chuyên môn”, số dân Việt chiếm một nửa, 69,462 người; dân Indonesia đứng thứ nhì, 25,589 người. Lợi tức theo đầu người ở Indonesia là $4,788 một năm, so với Việt Nam, $4,163 đô la, vào năm 2022. Những công nhân được xếp váo loại này phải vượt qua các trắc nghiệm về khả năng chuyên môn và nói tiếng Nhật; phần lớn làm trong cơ xưởng sản xuất và trông coi người già. Họ được ưu tiên cho quyền cư ngụ, tùy theo lương bổng và thời gian đã làm việc ở Nhật. Tháng 6 năm 2022, đã có 176,000 người Việt được qua làm việc theo quy chế “thực tập.” Những ngoại kiều được xếp loại “chuyên môn cao” (highly skilled professionals) làm công việc kỹ sư, quản trị hoặc nghiên cứu, được ưu đãi hơn, có thể đưa vợ con qua Nhật. Tháng 6 năm 2023 có 245,000 ngoại kiều được xếp vào loại này.

Nói chung, người Việt ở Nhật được nhiều tiếng tốt hơn tiếng xấu. Nói về tiếng xấu, Sở Cảnh sát Quốc gia Nhật cho biết trong thời gian từ 2013 tới 2022, số người Việt bị truy tố tăng gấp ba, từ 1,118 người đã lên tới 3,432, cao hơn cả số 2,006 người Trung Quốc, theo báo Yomiuri Shimbun, ngày 25 tháng Ba, 2023. Trong cùng thời gian đó, số người ngoại quốc phạm pháp chỉ tăng gấp rưỡi, lên 14,662 người.

Một nguyên nhân khiến số người Việt phạm pháp tăng nhanh hơn các sắc dân ngoại quốc khác là vì tổng số dân Việt qua sống ở Nhật đã tăng từ 72,256 người vào năm 2013, lên tới 432,934 vào năm 2021. Số người tăng gấp sáu lần mà số bị bắt chỉ tăng gấp ba! Nhật Bản đã ngưng không nhận người Việt qua chơi, nếu không đi trong các tổ chức du lịch chính thức.

Phần lớn các vụ người Việt bị bắt vì tội “ăn cắp” trong các cửa hàng (shoplifting). Nhiều nhóm tổ chức ăn cắp một cách quy mô. Báo Japan Times ngày 7 tháng Hai, 2024 loan tin cảnh sát đã bắt 4 người Việt Nam vì ăn cắp hơn 5,237 món trong các cửa hàng quần áo, từ các áo len đến các áo ấm nhồi lông vịt rất đắt tiền, đặc biệt là các tiệm Uniqlo. Trị giá những món đồ lên tới ¥20 triệu Yen, tương đương với $135,000 mỹ kim. Những người này đã qua Nhật nhiều lần, từ năm 2018 đến 2023. Họ thường lấy cắp tại các cửa hàng không dùng nhân viên thâu tiền, cho khách tự trả lấy bằng máy. Cảnh sát cho biết một người đàn ông 38 tuổi và hai phụ nữ trong khoảng 30 đến 40, đã “hành động” 67 lần ở Tokyo và Osaka cùng các thành phố trong quận Fukuoka. Họ cũng bị truy tố tội vào nhà tư ăn trộm.

Cảnh sát Fukuoka đã bắt bốn người tình nghi trong vụ này và truy tố một phụ nữ ở Việt Nam, khoảng 40 tuổi, là người chỉ huy từ xa, ra lệnh cho các thủ phạm. Những món hàng ăn cắp sau đó được bán trên mạng, online, ở Việt Nam. Nhật báo Yomiuri cũng biết phần lớn người Việt phải hối lộ những món tiền lớn để được qua Nhật; đó là một lý do họ phải trộm cắp để có đủ tiền trả nợ cho các tay trung gian.

Nhật báo Asahi Shimbun thuật chuyện một công nhân Việt Nam 41 tuổi làm việc tại một công trường xây cất từ năm 2019 và bị các đồng nghiệp người Nhật gây sự, đe dọa và đánh đập. Năm 2021, anh đã nhờ công đoàn ở Fukuyama, quận Hiroshima, bảo vệ mặc dù công ty chủ nhân tìm cách che giấu. Trong một cuộc họp báo do công đoàn tổ chức, anh ta vừa khóc vừa nói mình chịu nhịn nhục vì nghĩ đến vợ con ở Việt Nam, và phải lo kiếm đủ món tiền anh ta chưa trả được các tay trung gian tổ chức cho anh qua Nhật làm, tổng cộng một triệu đồng Yen, bằng $8,710 đô la Mỹ.

Nhưng người Việt ở Nhật vẫn được nhiều tiếng tốt trong dư luận. Trên mạng r/Tokyo của Reddit, có người ký tên “urumesmellman” viết rằng người Việt làm việc rất siêng năng, chịu khó. Anh ta biết một người làm chủ tiệm ăn ở Namamugi, Yokohama; ngoài giờ mở tiệm còn đi làm thêm ở bến tàu. Không hiểu sao mà ông ta có thể làm việc nhiều như thế - chưa kể là ông tự chế lấy món tương ớt và món phở bò ông làm thì rất ngon!

Một người khác, ký tên Pristine-Space, kể anh ta làm việc chung với người Việt trong xưởng máy, thấy họ rất hòa hợp với các nhân viên người Nhật, chỉ có cái tật là ngoài giờ làm việc thì họ chỉ đàn đúm với nhau thôi. Một lý do là họ không thông hiểu tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Họ sang Nhật qua các hợp đồng nên nếu bỏ việc sẽ thành cư ngụ bất hợp pháp; cho nên phải chấp nhận những việc cực nhọc người Nhật không muốn làm, lãnh đồng lương tối thiểu hay thấp hơn.

Pristine-Space nêu ra mấy ưu điểm của công nhân Việt: Họ không hay cãi lại cấp chỉ huy, như người gốc Trung Quốc; họ chấp nhận làm việc bất cứ giờ giấc nào, giống như người Nhật. Chỉ có một vấn đề là họ hay cãi cọ, gây gổ với các công nhân Trung Hoa; cho nên phải cho hai nhóm làm việc cách xa nhau!

Chính mắt tôi đã chứng kiến các thanh niên người Việt làm việc ở một khách sạn trong vùng núi Phú Sĩ, phụ trách hầu như tất cả mọi việc trong phòng ăn. Họ nấu bếp, dọn thức ăn ra bàn, phục vụ ba, bốn trăm du khách thay đổi mỗi ngày. Hàng chục các bạn trẻ, chỉ có vài ba cô gái, làm việc cật lực mà không than vãn, bày biện các thức ăn đúng cách, lau, quét sạch sẽ từ trên bàn đến mặt đất, theo đúng tiêu chuẩn của dân Nhật. Không thấy khách sạn tuyển một người nào khác ngoài người Việt, cũng không thấy các giám thị gốc Nhật, chứng tỏ các thanh niên Việt được tín nhiệm hoàn toàn.

Báo Asahi Shimbun ngày 30 tháng Tám, 2023 viết về ngôi chùa Đại Âm Tự (Daionji) do sư cô Thích Tâm Trí xây dựng, lễ khởi công vào tháng Bảy năm 2022, trong khu Higashi-Ayase ở Tokyo. Năm nay 45 tuổi, sư cô đã sống ở Nhật hơn 20 năm, bắt đầu với một học bổng nghiên cứu về đạo Phật Nhật Bản. Ngôi chùa Đại Âm ba tầng là nơi các sinh viên và công nhân Việt Nam không có việc làm đến trú ngụ thời nạn dịch Covid.

Có lúc ngôi chùa không đủ chỗ cho tất cả mọi người, một người Nhật hàng xóm tên là Michio Tomita, 72 tuổi, đã hiến tặng ngôi nhà của ông ở Nasushiobara phía Bắc Tokyo để thêm chỗ ở. Ông Tomita đã nhận xét, thấy các sinh viên Việt tập sự rất siêng năng, cần mẫn làm việc trong một xưởng chế đồ điện vẫn mua hàng của ông: “Tôi rất cảm động thấy các bạn trẻ đến làm việc cật lực ở một quốc gia xa lạ! Khi họ thiếu thốn, tôi nghĩ mình nên cho họ được sử dụng căn nhà của mình.” Quả thật, dân Việt đã chiếm được nhiều cảm tình của người Nhật Bản.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG