Một trong những tính xấu tương đối “nổi tiếng” nhất của người Việt, trong cũng như ngoài nước, là rất ít khi đúng giờ. Họp, phải chờ đợi nhau là chuyện bình thường. Tiệc tùng đến trễ cả một, hai tiếng cũng là chuyện bình thường. Các buổi văn nghệ hay ra mắt sách ít khi có thể bắt đầu đúng giờ quy định. Lý do: “vắng vẻ quá”. Đành phải chờ. Có khi chờ nửa tiếng. Cũng có khi chờ cả tiếng. Mòn mỏi.
Có lẽ biết tính nhau quá nên trong các tiệc cưới của người Việt tại Úc, người ta thường “ăn gian”, ghi thời điểm bắt đầu rất sớm, thường là sáu giờ rưỡi chiều, lúc, theo kinh nghiệm của tôi, ở nhà hàng… chưa có ai cả.
Nhớ, lúc tôi mới qua Úc, nhận được thiệp cưới như thế từ một sinh viên, đúng sáu giờ rưỡi, tôi có mặt. Nhà hàng vắng tanh. Các nhân viên đang dọn bàn ghế. Cô dâu chú rể chưa tới. Nhà trai nhà gái chưa ai tới. Tôi đi loanh quanh, gần nửa tiếng sau, trở lại, cũng chỉ thưa thớt năm ba người đến sớm. Nản quá, tôi đi đến một tiệm gần đó, uống cà phê chờ tiếp đến bảy giờ rưỡi. Lúc trở lại nhà hàng, vẫn thấy là mình đến quá sớm.
Lần khác, tôi dự đám cưới con gái một người bạn đồng nghiệp. Thiệp mời vẫn ghi là tiệc cưới bắt đầu từ 6:30. Người bạn nhờ tôi đến sớm để thù tiếp một số bạn bè người Úc trong trường giùm anh. Đúng giờ, tôi tới. Chỉ có mấy người bạn Úc. Chúng tôi ngồi chung một bàn, uống nước và tán gẫu, chờ.
Chờ đến khoảng 7 giờ mới thấy gia đình cô dâu chú rể đến; khoảng bảy rưỡi mới thấy khách khứa lục đục đến. Hơn 8 giờ nghi lễ mới bắt đầu. Người này nói. Người kia nói. Nâng ly chúc mừng nhau. Đến gần 9 giờ, thức ăn mới dọn ra. Lúc ấy hầu hết các bạn người Úc đều đứng dậy cáo về. Lý do: Họ đã quá mệt mỏi sau gần ba tiếng chờ đợi!
Rút kinh nghiệm từ nhiều đám cưới trước, sau này, bất kể thiệp cưới ghi mấy giờ, tôi cứ đủng đỉnh chờ đến khoảng sau 7 giờ mới đến. Vẫn chưa muộn.
Mà, nói cho công bằng, không phải chỉ có người Việt Nam. Phần lớn dân châu Á (trừ Nhật Bản) và châu Phi đều có thói quen không đúng giờ như vậy.
Tại sao?
Tôi nghĩ lý do chính: dấu ấn của nền văn hóa nông nghiệp.
Nên nhớ: người ta chỉ có ý niệm về sự đúng giờ khi đã có đồng hồ. Mà đồng hồ lại là sản phẩm của công nghiệp. Công nghiệp càng phát triển, ý niệm về giờ giấc lại càng cần chính xác, chính xác không phải từng giờ, từng phút mà còn, thậm chí, từng giây. Với lối sản xuất theo dây chuyền, một sản phẩm của kỹ nghệ hoá và tự động hoá, nhu cầu đúng giờ lại càng cần thiết. Khi người này đúng giờ, người kia cũng cần đúng giờ theo. Kết quả là cả guồng máy, từ sản xuất đến hành chính, đều chạy đúng giờ. Mở cửa: đúng giờ. Họp hành: đúng giờ. Xã hội xem việc đúng giờ như một đức tính cần thiết của mọi công dân. Khi xét tuyển công nhân viên chức, những người lãnh đạo và quản lý cũng xem tính đúng giờ như một điều kiện quan trọng. Dạy học lâu năm, tôi thường được yêu cầu viết thư giới thiệu cho nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đang kiếm việc làm. Trong các mẫu thư ấy, bao giờ cũng có một chi tiết: sinh viên ấy có nộp bài đúng thời hạn hay không; có đáng tin cậy về giờ giấc hay không.
Vì muốn đúng giờ nên ai nấy đều hối hả. Xe cộ thì có những chuyến tốc hành. Đường xá thì có những lối cao tốc. Ăn thì có thức ăn nhanh. Uống thì loại cà phê pha sẵn hoặc pha bằng máy. Chương trình trên tivi hay radio thì được tính từng giây một. Và ở đâu cũng có đồng hồ. Trong nhà có đồng hồ. Trong hãng có đồng hồ. Ngay ngoài phố, người ta cũng treo những chiếc đồng hồ lớn. Mọi sinh hoạt đều quay vòng theo những chiếc đồng hồ ấy.
Trong xã hội nông nghiệp, nhất là nông nghiệp theo lối cổ điển ở Việt Nam ngày trước cũng như hiện nay, ngược lại, người ta làm việc theo nhịp điệu tự nhiên. Trong cái gọi là nhịp điệu tự nhiên ấy, quan trọng nhất là mùa. Người ta gieo hạt theo mùa. Gặt hái theo mùa. Nghỉ ngơi theo mùa. Bên cạnh mùa là thời gian cụ thể trong ngày. Không phải thời gian khách quan. Mà là thời gian cụ thể, căn cứ vào mặt trời và mặt trăng.
Xưa, không ai có đồng hồ. Và họ cũng chẳng cần đồng hồ. Sáng, nghe gà gáy thì dậy nấu cơm. Mặt trời lên thì dắt trâu bò ra đồng. Đứng bóng thì nghỉ, ăn trưa. Chiều, mặt trời lặn hoặc sắp lặn thì lại lùa trâu về. Người ta thường ăn tối trước khi trời sụp tối hẳn. Ăn xong, nghỉ một lát thì đi ngủ. Rất hiếm khi người ta làm trái theo cái nhịp điệu tự nhiên ấy. Mà làm trái cũng không được. Nếu căn cứ vào đồng hồ, ví dụ vào mùa đông, ra đồng quá sớm, trước khi mặt trời mọc thì cũng chẳng để làm gì.
Hơn nữa, trong hoạt động đồng áng, sớm hay muộn một lát, thậm chí, một hai giờ, cũng chẳng chết ai cả. Làm sớm thì nghỉ sớm. Làm muộn thì nghỉ muộn. Đang làm việc, trời đổ mưa thì tìm chỗ trú. Việc hôm nay chưa xong thì ngày mai hay ngày mốt làm tiếp.
Những thói quen trong sinh hoạt từng kéo dài cả hàng ngàn năm như vậy không dễ gì phai nhạt được. Huống gì ở Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ trải qua một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Tây phương: hiện đại hoá với hai nội dung chính là kỹ nghệ hoá và tự động hoá. Việc đúng giờ, với chúng ta, rõ ràng, chưa phải là một thói quen. Sống ở ngoại quốc, vì nhu cầu sinh sống, khi làm việc, người ta phải cố gắng đúng giờ. Không đúng giờ thì bị trừ lương, thậm chí, bị đuổi việc. Nhưng về phương diện xã hội, trong các cuộc họp hành, văn nghệ, tiệc tùng, lúc không ai có quyền trừng phạt ai, chúng ta thường trở về thói quen cố hữu: lề mề, đủng đỉnh, chậm chạp.
Thành ra, làm gì cũng phải chờ nhau.
Chờ đến mòn mỏi.
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1