Người dân Việt Nam chính thức bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5 năm nay với bốn ngày nghỉ kéo dài trong nỗi phập phồng lo sợ vì đại dịch Covid có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Hệ thống cửa khẩu biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam nơi dịch bệnh đang hoành hành tại hai nước láng giềng Campuchia và Lào, được siết chặt. Nhiều chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về đang có nguy cơ phải tạm hoãn sau phiên họp khẩn của các lãnh đạo trong Ủy ban phòng chống dịch Trung ương tối ngày 28/4.
Bộ Y tế ngày 29/4 cho biết lần đầu tiên sau 35 ngày Việt Nam ghi nhận 5 ca nhiễm lây truyền trong nước gồm 4 người trong một gia đình ở tỉnh Hà Nam và 1 người ở Sài Gòn sau khi họ tiếp xúc với một người từ Nhật trở về.
Bộ Quốc phòng được yêu cầu rà soát cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý, chuẩn bị phương án sẵn sàng cho tình huống có 30.000 ca dương tính Covid.
Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành khác sau khi thông báo huỷ bắn pháo hoa dịp 30/4 thì tiếp tục ra thông báo bắt đầu đóng cửa các quán bar và karaoke từ 0 giờ ngày 30/4.
Trước tình hình căng thẳng và nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao, nhiều gia đình dù đã đặt tour đi nghỉ lễ cũng phải cắn răng huỷ tour ở lại nhà cho an toàn. Gia đình chị Nguyễn Thuỳ Anh ở quận Ba Đình, Hà Nội, là một trong số đó, phải bỏ vé vào Sài Gòn và huỷ phòng khách sạn đã đặt chỗ trước.
“Tất cả mọi địa phương đều huỷ hết lễ hội và các chương trình chào mừng ngày 30/4 rồi. Huỷ hết. Gia đình em dự tính sẽ về quê ngay ngoại thành Hà Nội nghỉ ngơi cho thoáng mát thôi. Chứ thật sự không dám đi nữa,” chị Thuỳ Anh cho VOA biết.
Từ nhiều năm nay, phần lớn người dân trong nước không còn quan tâm nhiều đến việc kỷ niệm 30/4 ‘ngày thống nhất đất nước’ như tuyên truyền trên báo chí nhà nước. Đối với họ, kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5 chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ lễ kéo dài ngoài kỳ nghỉ Tết nguyên đán mà thôi. Và kỳ nghỉ lễ năm nay, dịch bệnh Covid đang khiến nhiều gia đình lo lắng phập phồng.
Ông Nguyễn Duy Nghĩa, một cư dân tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ rằng mỗi ngày ông chỉ ra khỏi nhà một lần vào buổi chiều đi tập thể dục một chút cho khuây khoả, chứ không dám lui tới những nơi tập trung đông người giữa những tin tức về đại dịch Covid đang hoành hành dữ dội tại Ấn Độ, Lào và Campuchia.
“Lào có 17 tỉnh thì 15 tỉnh ghi nhận có Covid rồi, trong khi Campuchia có 24 tỉnh thì 22 tỉnh ghi nhận có Covid. Ấn Độ thì khỏi nói, hàng nghìn người chết mỗi ngày. Nói chung với tình hình thế này thì Việt Nam bị sớm hay muộn mà thôi, nên tôi cũng chỉ loanh quanh ở nhà, chả muốn đi đâu, chả muốn tới thăm ai nữa cho nó an toàn,” ông Nghĩa nói.
Những người làm việc tại Hà Nội thì thường dịp này họ hay tranh thủ về quê thăm gia đình. Nhưng năm nay, trước tình hình Covid hiện tại, phần lớn đều lựa chọn giải pháp ở lại thủ đô nghỉ ngơi hoặc gặp gỡ nhóm nhỏ bạn bè đi cafe.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, cho biết phải huỷ kế hoạch về quê thăm bố mẹ cùng cô vợ trẻ mới cưới vì dịch bệnh.
“Tình hình dịch bệnh như thế này, đi lại tàu xe nguy hiểm lắm vì dù thế nào cũng sẽ đông chứ khó mà vắng vẻ được. Thế nên tôi ở nhà nghỉ ngơi, đi chơi loanh quanh thôi. Chứ về quê thăm gia đình thì cuối tuần nào vắng vẻ mình về mà chẳng được. Cứ gì phải đi trong dịp này,” anh Sơn trải lòng.
Nguy cơ Covid tái bùng phát tại Việt Nam là điều hiển hiện nếu tình hình dịch bệnh tại hai quốc gia láng giềng Lào và Campuchia là không khả quan.
Nhiễm bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bản thân và gia đình là điều mà rất nhiều người lo ngại trước mắt. Nhưng họ còn lo hơn về cuộc sống ngày một khó khăn, eo hẹp vì Covid kéo dài trong khi chưa biết bao giờ dân chúng Việt Nam mới được tiêm chủng đầy đủ trước đại dịch chết người. Những trăn trở đó đang đè nặng lên suy nghĩ của rất nhiều người, khiến họ không còn tâm trí đâu mà nghĩ tới chuyện nghỉ lễ 30/4 – 01/5.