Một tổ chức giám sát vấn đề lao động trên toàn cầu mới công bố phúc trình cho biết 1 trong 3 lao động nhập cư , trong đó có người Việt Nam, làm việc trong ngành điện tử đã phải làm việc như lao động khổ sai ở Malaysia.
Cuộc điều tra kéo dài hai năm của Verité, được thực hiện với sự tài trợ của Bộ Lao động của Hoa Kỳ, cho thấy 32% trong số gần 200.000 công nhân ngoại quốc ở Malaysia phải làm thêm để trả khoản phí môi giới quá cao.
Theo điều tra của tổ chức phi chính phủ, khoảng 40% công nhân Việt Nam bị coi là làm việc như lao động khổ sai. Tỷ lệ này cao nhất so với các sắc dân khác.
Theo tổ chức giám sát về vấn đề lao động trên toàn cầu, nhiều công nhân nhập cư phải sống trong điều kiện tệ hại, và thậm chí cảm thấy không an toàn trong chính nơi ở của mình.
Chị Nguyễn Thị Liễu, công nhân điện tử ở Malaysia, xác nhận điều này với VOA Việt Ngữ:
“Tiền ăn, tiền ở, tiền nhà, tiền thuế bọn em phải mất hết. Bọn em nói chung là khổ lắm. Một cái phòng nhỏ nhỏ, nó ghép 6 người vào và mỗi một phòng chỉ dùng một cái quạt. Nhà 18 người chỉ được dùng một cái tủ lạnh. Không được dùng điện nhiều, không được dùng nước nhiều. Ở cái chỗ ký túc đó thì bọn em không khác gì nô lệ ngày xưa. Mình làm gì có khiếu nại được với ai. Bọn em điện về cho môi giới, môi giới coi như không biết gì. Môi giới tắt nguồn điện thoại luôn. Bọn em sang bên này là họ hết trách nhiệm luôn. Bọn em sang bên này cuộc sống khổ như thế mà bọn em điện về cho môi giới ở Việt Nam mà họ có can thiệp cho bọn em đâu. Bọn em bây giờ biết kêu với ai?”
Verité cho biết đã tiến hành phỏng vấn hơn 500 công nhân từ 7 quốc gia, trong đó có người Việt, hiện làm việc ở Malaysia cũng như công nhân bản xứ.
Họ còn cho biết cũng đã tham vấn các đại diện xã hội dân sự, các quốc gia và các doanh nghiệp có liên quan.
Theo Verité, mỗi công nhân Việt Nam phải trả trung bình khoảng 1.080 đôla cho các khoản nợ xuất phát từ khoản phí môi giới cao để sang Malaysia làm việc.
Đây được coi là khoản phí phải trả cao nhất so với công nhân từ các nước như Miến Điện, Indonesia và Nepal, nhưng người lao động Việt lại được trả lương ít nhất, khoảng 308 đôla một tháng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước, nói với VOA Việt Ngữ rằng điều đó “không có cơ sở”.
“Chúng tôi cũng đã kiểm tra lại và chúng tôi thấy rằng tất cả các lao động Việt Nam làm việc tại Mã Lai thì được hưởng mức lương như mọi lao động nước ngoài khác cũng như lao động Mã Lai, không thấp hơn. Chính phủ Việt Nam cũng có một quy định rất là chặt chẽ về mức lương. Chúng tôi thấy nếu mà nói người lao động Việt Nam bị bóc lột do với các lao động khác thì không có cơ sở. Các hợp đồng đối với người lao động đi làm việc ở Mã Lai chúng tôi đều có kiểm tra.”
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nói cơ quan này 'thực sự quan ngại' về những phát hiện trong cuộc điều tra của Verité.
ILO cũng xác nhận còn tồn tại các vấn đề cần phải giải quyết ngay, liên quan tới điều kiện làm việc hay quá trình tuyển dụng, nhất là đối với lao động nhập cư.
Theo ILO, Việt Nam hiện có hơn 170 doanh nghiệp cung ứng lao động, hay còn gọi là công ty môi giới, và mỗi năm họ đưa khoảng 80.000 lao động tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để làm việc.
Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, hiện có khoảng 80.000 lao động Việt Nam làm việc ở Malaysia.
Báo chí Việt Nam từng nhiều lần đưa tin về tình trạng công nhân Việt bị ngược đãi ở Malaysia cũng như nhiều vấn đề xã hội khác.