KYIV —
Người Ukraina phản ứng khác nhau trước cuộc biểu quyết của Quốc hội Crimea về việc sát nhập với Liên bang Nga. Việc Moscow trên thực tế chiếm đóng vùng Crimea với đa số dân sắc tộc Nga đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình và phản biểu tình khắp Ukraina.
Các hành động của Nga nhằm chiếm đóng Cirmea không được đón nhận suôn sẻ ở thủ đô Ukraina.
Mặc dầu hai nước thống nhất về mặt lịch sử, các nỗ lực của Nga muốn biến Crimea thành một phần của Nga là một sự chiếm đóng không được hoan nghênh, theo nhận định của bà Olena, một luật sư ở Kyiv.
Bà nói: “Nhân dân chúng tôi có quyền đối với quốc gia của chúng tôi và có quyền đối với các luật lệ được lập ra và phê chuẩn theo tin thần tư pháp của nhân dân Ukraina. Vì thế, tôi coi Nga như đang xâm lấn vào quốc gia chúng tôi, chủ quyền của chúng tôi, vi phạm mọi quyền lợi của nhân dân Ukraina khi đưa quân đội vào và dùng vũ lực để ép buộc chúng tôi trở thành công dân Nga.”
Quốc hội Crimea được Moscow hậu thuẫn hôm thứ Năm đã biểu quyết gia nhập Liên bang Nga.
Quốc hội định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để hậu thuẫn cho cuộc biểu quyết đó vào ngày 16 tháng 3 trong khối dân đa số thân Nga ở Crimea. Ông Vika là một người trong số này.
Ông này nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chính phủ Crimea trong mọi quyết định và tôi coi họ là tuyệt đối hợp pháp. Tôi ủng hộ họ và tôi sẽ bỏ phiếu tách rời khỏi Ukraina trong cuộc trưng cầu dân ý.”
Hoa Kỳ, châu Âu và quyền tổng thống Ukraina, ông Oleksandr Turchynov, công bố cuộc biểu quyết của Crimea là bất hợp pháp.
Ông Turchynov nói: “Tôi đã chặn quyết định của quốc hội Crimea. Quốc hội Ukraina sẽ đề xuất việc bãi nhiệm quốc hội của nước Cộng hòa Crimea Tự trị. Chúng tôi sẽ bảo vệ tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền đất nước chúng tôi. Tôi chắc chắn rằng công dân Ukraina sống trong lãnh thổ Crimea sẽ ủng hộ việc này bằng mọi phương tiện có thể có được.”
Nhưng Nga đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ ở Crimea và từ chối không thừa nhận chính phủ chuyển tiếp của Ukraina, mà họ gán cho là cực đoan và bài Nga.
Trong khi đó, người biểu tình vẫn còn bám trụ ở Quảng trường Ðộc lập của Kyiv, nơi diễn ra các buổi lễ tưởng niệm vinh danh những người bị sát hại tháng trước trong các cuộc xung đột với cảnh sát chống bạo động.
Các cuộc biểu tình bùng ra hồi tháng 11 sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bất thần rút ra khỏi một thỏa thuận thương mại với EU để thiên về quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Ông đã bỏ trốn qua Nga để tránh bị cáo buộc về những cái chết, sau đó bị biểu quyết bãi chức, và rồi quân đội Nga mau chóng chiếm đóng Crimea.