Đường dẫn truy cập

Người tị nạn vào Mỹ giữa cuộc tranh luận gay gắt


Người tị nạn Syria Ahmad Alabood ngồi ở hàng sau trong một lớp học tiếng Anh tại Dịch vụ Cộng đồng Della Lamb ở thành phố Kansas, ngày 13 tháng 6 năm 2016.
Người tị nạn Syria Ahmad Alabood ngồi ở hàng sau trong một lớp học tiếng Anh tại Dịch vụ Cộng đồng Della Lamb ở thành phố Kansas, ngày 13 tháng 6 năm 2016.

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm đã bác nỗ lực của bang Texas muốn ngăn chặn việc tái định cư những người tị nạn Syria tại Texas.

Phán quyết được đưa ra vài ngày sau khi ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump kêu gọi ngăn chặn những người Hồi giáo không phải là công dân Mỹ nhập cảnh, sau vụ thảm sát tại một hộp đêm ở thành phố Orlando.

Ngay cả trước khi vụ tấn công xảy ra, người Mỹ đã có quan điểm chia rẽ, chủ yếu là theo đảng phái, về vấn đề người tị nạn từ những nước bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông.

Một cuộc khảo sát được Viện Brookings thực hiện vào cuối tháng Năm cho thấy trong số những người được khảo sát, chỉ có 38 phần trăm những người theo Đảng Cộng hòa ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria và Trung Đông, so với 77 phần trăm những người bên Đảng Dân chủ. Nhưng trong số những người ủng hộ ông Trump, một con số áp đảo 77 phần trăm những người được hỏi nói rằng họ phản đối việc tiếp nhận người tị nạn.

Vậy những người tị nạn khiến dân chúng Mỹ chia rẽ, khơi lên cảm giác sợ hãi và ngờ vực cho một số người nhưng lại được sự đồng cảm và hiếu khách từ những người khác, họ là ai?

Dưới đây là một số thông tin về hàng triệu người đã bị buộc phải chạy lánh những cuộc xung đột đẫm máu ở Syria, Iraq, Libya và những nước Trung Đông khác.

Họ là ai?

Năm 1951, Công ước Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc định nghĩa một người tị nạn là một người mà "vì nỗi sợ hãi có căn cứ xác đáng là mình bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay vì mình là thành viên của một nhóm xã hội hay nhóm quan điểm chính trị cụ thể, ở ngoài đất nước họ mang quốc tịch, và không thể, hoặc vì nỗi sợ hãi này, không sẵn lòng tận dụng sự bảo vệ của quốc gia đó."

Đến cuối năm 2014, đã có 19,5 triệu người tị nạn khắp thế giới, theo Liên Hiệp Quốc. 14,4 triệu người trong số đó thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Con số này là đã tăng 2,9 triệu người so với năm 2013.

5,1 triệu người tị nạn còn lại được đăng ký với Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, ước tính có khoảng 59,5 triệu người bị buộc phải tản cư khắp thế giới, theo báo cáo Những Xu hướng Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc. Số người này không chỉ bao gồm những người tị nạn mà còn những người thất tán trong nước, người xin bảo hộ tị nạn và những người không có quốc tịch.

Người tị nạn Syria Ahmad Alabood lên xe buýt để đến lớp học tiếng Anh ở Dịch vụ Cộng đồng Della Lamb ở thành phố Kansas, ngày 13 tháng 6 năm 2016.
Người tị nạn Syria Ahmad Alabood lên xe buýt để đến lớp học tiếng Anh ở Dịch vụ Cộng đồng Della Lamb ở thành phố Kansas, ngày 13 tháng 6 năm 2016.

Có bao nhiêu người tị nạn ở Mỹ?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt mục tiêu tái định cư 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài chính 2016, bắt đầu từ ngày 1 tháng 10. Nhưng chính quyền vẫn còn xa mới theo kịp thời biểu này.

Khoảng 3.500 người tị nạn Syria đã được nhận, còn lại khoảng 6.500 chỗ trong khi còn chưa đầy bốn tháng nữa là hết năm tài chính.

Làm sao họ tới được Mỹ?

Để có được tư cách người tị nạn, người ta phải trải qua nhiều quá trình, từ chạy lánh nạn khỏi đất nước đang bị xung đột, đăng ký làm người tị nạn với Liên Hiệp Quốc, chờ đợi – có khi trong nhiều năm - để được chấp thuận, và trải qua quá trình tái định cư ở đất nước kế tiếp mà họ sẽ tới.

Người tị nạn đến Mỹ thông qua Chương trình Tái định cư Người Tị nạn Hoa Kỳ phải trải qua một quá trình rà soát an ninh nhiều lớp bao gồm một cuộc phỏng vấn trực tiếp và cặn kẽ, được thực hiện bởi những viên chức an ninh nội địa được đào tạo bài bản, cũng như nhiều cuộc kiểm tra lí lịch rất nghiêm ngặt, bao gồm điều tra tiểu sử và sinh trắc học, sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu.

Trước những vụ tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, quá trình này mất khoảng một năm; giờ nó kéo dài từ hai đến ba năm.

Nhân vật điển hình

Ở Thành phố Kansas thuộc bang Missouri, miền trung tây của Mỹ, Ahmad Alabood đang cố gắng mưu sinh trong khi cuộc tranh luận về người tị nạn diễn ra quyết liệt trên vũ đài chính trị của Mỹ.

Alabood, một công nhân xây dựng 45 tuổi từ thành phố Homs, Syria, cùng với vợ và năm người con, nằm trong số những người Syria đầu tiên được tái định cư ở Mỹ theo chương trình tăng số lượng người tị nạn của chính quyền Obama.

Kể từ khi gia đình ông tới Mỹ vào tháng 4 từ một trại tị nạn ở Jordan, Alabood vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe của con cái. Một đứa con nhỏ của anh bị hàm lượng chì cao trong máu và một đứa khác 5 tuổi mắc bệnh tim. Anh còn phải học tiếng Anh, nhổ hết cả hàm răng vì chúng đã hư hết, và tham vấn với bác sĩ về những mảnh đạn trong đầu và trong chân từ một vụ nổ bom ở Homs vài năm trước.

Alabood vẫn chưa bắt đầu đi làm. Những ưu tiên hàng đầu là giải quyết những vấn đề sức khỏe của gia đình và học tiếng Anh. Nhưng trung tâm giám sát quá trình tái định cư của gia đình anh cho biết Alabood dự kiến sẽ bắt đầu làm việc vào mùa thu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG