Đường dẫn truy cập

Người quyền lực nhất thế giới 2018


Ảnh tư liệu- Ông Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Đại Liên, Trung Quốc.
Ảnh tư liệu- Ông Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Đại Liên, Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đã được Tạp chí Forbes nêu danh là người quyền lực nhất hành tinh sau khi ông dỡ bỏ được giới hạn số nhiệm kỳ Chủ tịch nước trong Hiến pháp của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bảng xếp hạng những người quyền lực nhất thế giới năm 2018 được Forbes loan báo hôm 8/5, với 75 người, cả nam lẫn nữ, trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh và các cơ quan quốc tế - những người ‘khiến thế giới thay đổi’. Bảng xếp hạng này đánh giá dựa trên các tiêu chí: số dân mà họ lãnh đạo, tài nguyên tài chính họ kiểm soát, họ có quyền hành trong nhiều lĩnh vực hay không và họ có đang sử dụng quyền lực đó hay không.

“Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên chiếm vị trí số một,” Forbes viết, “Ông có được sự sùng bái cá nhân chưa từng thấy kể từ thời Mao Chủ tịch”.

Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng Ba, ông Tập đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước trong Hiến pháp, cho phép ông tại vị vô thời hạn về mặt lý thuyết. Học thuyết chính trị cá nhân của ông cũng được đưa vào Điều lệ Đảng – một hành động chưa từng có kể từ thời của Mao Trạch Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin – người đã cầm quyền từ năm 2000 và được chọn là người quyền lực nhất thế giới trong bốn năm liên tục – tụt xuống vị trí thứ hai trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được xếp vị trí thứ ba. Mặc dù ông Trump đạt thành công có giới hạn trong việc thông qua các đạo luật và tiếp tục chìm đắm trong các vụ bê bối, nhưng ông ấy vẫn nhà lãnh đạo của cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới, Forbes bình luận.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người rất được lòng dân, xếp vị trí thứ chín sau Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà sáng lập hãng Amazon Jeff Bezos, Đức Giáo hoàng Francis, tỷ phú Bill Gates và hoàng thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Al Saud (MBS).

Dù phụ vương của ông vẫn đang nắm quyền, Thái tử MBS đã củng cố quyền lực vượt khỏi mọi nghi ngờ và thực thi quyền kiểm soát đất nước. Hồi tháng 11 năm 2017, ông đã phát động ‘chiến dịch chống tham nhũng’ khiến cho nhiều nhân vật sừng sỏ của Ả Rập Saudi bị bắt giữ và bị buộc phải giao nộp tài sản. Ông sẽ là tâm điểm của địa chính trị Trung Đông trong thế hệ sắp tới, theo nhận xét của Tạp chí Forbes.

Tỷ phú Jack Ma, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, được xếp hạng 21, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nắm các vị trí lần lượt là 36 và 38.

Bình luận về ông Kim, Forbes viết: “Trên thực tế, không rõ ông chia sẻ bao nhiêu quyền lực với các lãnh đạo quân sự nhưng điều rõ ràng là ông thích phô trương sức mạnh quân sự.” Tuy nhiên, ông nắm quyền kiểm soát gần như tuyệt đối đối với sinh mạng của 25 triệu người dân ở đất nước ông và được cho là xử tử những ai bất đồng.

Một số lãnh đạo đông nam Á cũng vào được danh sách 75 người quyền lực nhất thế giới năm 2018. Lãnh đạo một đất nước có sự hiện diện tài chính quá lớn trên trường quốc tế, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được xếp ở vị trí 61. Vị Tổng thống trực ngôn và gây tranh cãi của Philippines Rodrigo Duterte hạng 69, trong khi người tương nhiệm của ông ở Indonesia xếp thứ 74.

Forbes lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, lọt vào danh sách này trước cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia vào năm 2019. Hiện ông có tỷ lệ ủng hộ là 60 phần trăm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG