Đường dẫn truy cập

Người Pháp gốc Do Thái cảm thấy bị đe dọa hơn sau vụ tấn công


Những người dự lễ mai táng các nạn nhân vụ tấn công ngôi chợ của người Do Thái trong thủ đô Paris, Jerusalem, 13/1/15
Những người dự lễ mai táng các nạn nhân vụ tấn công ngôi chợ của người Do Thái trong thủ đô Paris, Jerusalem, 13/1/15

Sau vụ tấn công vào ngôi chợ Do Thái tại Paris tuần trước, nhiều thành viên trong khối dân Do Thái ở Pháp – khối người đông nhất ở châu Âu – lo âu hơn về sự an toàn và tương lai của họ. Thông tín viên Al Pessin tường trình từ thủ đô Pháp.

Trong nhiều ngày sau vụ tấn công, những người Do Thái và không phải Do Thái đến rìa phía đông Paris để tỏ lòng thương tiếc.

Một bà nội trợ Pháp nói bà đồng cảm với những người ngã xuống cho tự do, cho nước Pháp. Bà là một người theo Cơ đốc giáo, nhưng tất cả mọi người đều bình đẳng, giống nhau và cần phải có tự do cho tất cả.

Song nhiều người Do Thái ở Pháp không cảm thấy hoàn toàn tự do sau vụ tấn công. Cặp vợ chồng trẻ này đến để tang một người bạn bị giết trong ngôi chợ.

Người thanh niên tên là Rafael nói sau những gì xảy ra, điều chẳng may là có một cảm nghĩ muốn chạy trốn. Họ không muốn ra đi những đôi khi họ cảm thấy muốn chạy trốn để tự bảo vệ.

Anh Rafael nói anh không chắc liệu các cộng đồng khác nhau ở Pháp có thể chung sống hoà bình với nhau được nữa hay không.

Vợ anh là Malka không muốn rời khỏi nước Pháp, nhưng sợ rằng cô phải làm điều đó.

Cô nói: “Đây là nước của tôi. Tôi yêu nước này. Nhưng trên hết tôi yêu tôn giáo của tôi. Vì sao chúng ta lại phải luôn luôn sợ hãi, giấu giếm những cái chóp che đầu và những ngôi sao Do Thái khi đi xe điện ngầm để khỏi bị tấn công. Đây không còn phải là một cuộc sống nữa.”

Nhưng đó không phải là quan điểm phổ biến, bất chấp những vụ tấn công trước đây tại Pháp và Bỉ, và nhiều sự việc bài Do Thái mỗi năm.

Một sinh viên tên là Levi nói: “Chúng ta không phải sợ hãi. Chúng ta có an ninh tốt ở đây và tôi không cho rằng mọi sự sẽ tệ hơn trước.”

Một quản lý nhà hàng tên Alexander nói: “Tôi không muốn ra đi. Tôi muốn ở lại đây bởi vì tôi là người Pháp. Tôi là người Do Thái, nhưng tôi cũng là người Pháp.”

Dù sao, vụ tấn công ở Paris dự trù sẽ châm ngòi cho một sự gia tăng số người di trú Do Thái từ Pháp trở về Israel, sau khi đã tăng gấp đôi năm ngoái lên tới 7 ngàn.

Con số này chỉ chiếm trên 1% cộng đồng Do Thái ở Pháp, nhưng sẽ cần điều động thêm cảnh sát và quân đội để đem lại cho người Pháp gốc Do Thái an ninh dài hạn thêm, theo ông Yonatan Arfi, phó chủ tịch Hội đồng các Tổ chức Do Thái ở Pháp:

“Chúng ta phải nghĩ về việc có lẽ tái tổ chức xã hội Pháp hầu tranh đấu chống lại tình trạng cực đoan hoá, bởi lẽ nếu chúng ta không tranh đấu ngay bây giờ chống lại tình trạng này, thì chúng ta sẽ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công mới trong những năm sắp tới.”

Ông Arfi nói cuộc tuần hành đoàn kết sau các vụ tấn công có thể góp phần thúc đẩy hành động. Nhưng có thể không đến đủ kịp thời cho Rafael và Malka.

Malka nói: “Tôi không bao giờ nghĩ mọi chuyện lại như thế này. Ngay khi nói chuyện tôi cũng không tin là sự thực. Tôi nghĩ ngay mai tôi có thể thức dậy, thi đậu và sống một cuộc sống bình thường, quên đi một người bạn đã chết.

Có nhiều phần chắc Malka sẽ không quên được. Nhưng mối quan ngại là tính khẩn trương mà các vụ tấn công này tạo ra sẽ không kéo dài đủ để đem lại những thay đổi mà cô và những người Pháp gốc Do Thái muốn thấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG