Các phòng phiếu đang mở cửa trên khắp nước Pháp, với 11 ứng cử viên, gồm cả những người cực hữu tới những người cực tả, chạy đua tới chức tổng thống Pháp.
Các quan chức chính phủ nói tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào buổi chiều là 69%, thấp hơn 1% so với vòng bỏ phiếu thứ nhất của cuộc bầu cử hồi năm 2012.
An ninh được thắt chặt sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu.
50.000 viên cảnh sát cùng với 7.000 binh sĩ đã được triển khai trên các đường phố. Đó là một phần trong hoạt động an ninh to lớn giữa lúc có những căng thẳng tiếp sau cuộc tấn công mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm.
Vụ bắn súng ở đại lộ Champs-Elysees có tính biểu tượng ở trung tâm Paris đã làm một viên cảnh sát thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử là ông Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế trung tả, người ủng hộ châu Âu và thương mại, có quan hệ thân thiết với Tổng thống Francois Hollande, người của đảng Xã hội không được ủng hộ nhiều. Ông Macron được ủng hộ chủ yếu ở các vùng đô thị thịnh vượng của Pháp, nơi chủ nghĩa toàn cầu đã mang lại lợi ích cho nhiều người.
Người bám sát ở vị trí thứ nhì là bà Le Pen, người muốn chấm dứt hầu hết hoạt động nhập cư vào Pháp, đặc biệt là từ các quốc gia Hồi giáo. Bà cũng muốn Pháp rời khỏi Liên hiệp châu Âu. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực công nghiệp trước đây của Pháp, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và người ta cũng thất vọng nhiều về trật tự kinh tế và xã hội hiện đại.
Một ứng cử viên hàng đầu khác là ông Francois Fillon, người ủng hộ cắt giảm chi tiêu công và thúc đẩy cải cách sâu rộng ở EU.
Các cuộc phỏng vấn với các nhà phân tích và cử tri cho thấy cuộc bầu cử này khó dự đoán nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Một phần ba số cử tri vẫn chưa quyết định ở thời điểm vài ngày trước cuộc bỏ phiếu.
Hai người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật sẽ đối mặt trong cuộc bầu cử một mất một còn vào ngày 7/5.
Các phòng phiếu đóng cửa lúc 1800 giờ, giờ chuẩn quốc tế.