Hôm nay, ngày 2 tháng 6, người Mỹ đánh dấu Ngày Nhận thức Bạo động Súng ống trong lúc nhân viên thi hành công lực đang đối phó với những vấn đề tồn tại sau vụ nổ súng tại trường đại học California ở Los Angeles và những vụ tương tự xảy ra trước đó tại Houston và Chicago. Những vụ nổ súng làm thiệt mạng nhiều người và những vụ giết người là những chuyện xảy ra quá đỗi thường xuyên ở Mỹ, nhưng nước Mỹ vẫn còn chia rẽ về cách thức giải quyết vấn đề này. Một số người muốn có những luật lệ kiểm soát súng nghiêm nhặt hơn, nhưng những người khác cho rằng người dân nên được tự do mang súng ở khắp mọi nơi để tự vệ.
Cách đây 3 năm, các thanh thiếu niên cư ngụ tại vùng South Side thuộc thành phố Chicago yêu cầu các bạn cùng lớp mặc sơ mi màu cam để tưởng nhớ những người bạn đã chết vì súng đạn. màu cam tượng trưng cho giá trị của đời sống con người. Hành động địa phương này đã lớn mạnh thành một phong trào trên toàn quốc có tên là Trang phục màu cam. Nhiều tòa nhà và những kiến trúc nổi tiếng của nước Mỹ được thắp sáng bằng những ngọn đèn màu cam để giúp chống lại bạo động bằng súng.
Nhà làm phim nổi tiếng Spike Lee có mặt tại thành phố New York ngày hôm qua để bật đèn trên Empire State Building, toà nhà chọc trời biểu tượng của thành phố. Đạo diễn Spike nói:
“Đây là một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ và mọi người tại đất nước vĩ đại này đang đứng lên và nói rằng đã quá đủ rồi—mỗi ngày có 91 người Mỹ chết tại quốc gia này. Hai phần ba thiệt mạng vì tự sát và đó là điều không thể chấp nhận được.”
Trong số những người tham dự buổi lễ có ông Shanduke McPhatter, một người có người anh bị bắn chết trong buổi trình diễn nhạc ráp của T.I. vào ngày 25 tháng 5 vừa qua. Ông McPhatter nói:
“Bệnh tâm thần, trên cơ bản, là một thứ bệnh khi có một lối sống trong đó người ta cho rằng việc cầm súng là một phản ứng đầu tiên được xem là đúng đắn. Tất cả đều nằm trong đầu óc của chúng ta. Trong cộng đồng của chúng ta, mọi việc được đưa ra để làm cho chúng ta tin rằng đó là cách thức để đối phó. Tại những cộng đồng khác, có những cộng đồng khác mà phản ứng đầu tiên không phải như vậy. Và chúng ta phải chứng tỏ cho cộng đồng chúng ta thấy rằng đây là một cách hành xử do việc học hỏi mà ra. Chúng ta phải bác bỏ cách hành xử này.”
Nhiều người Mỹ tin rằng có vũ khí để tự vệ là một quyền được ghi rõ trong hiến pháp. Mục sư và đồng thời là một nhà hoạt động chính trị Rob Schenck tại Washington D.C là một trong những người này. Tuy nhiên, một vụ nổ súng gây chết người tại khu vực nơi ông cư ngụ đã làm thay đổi quan điểm của ông.
“Mỗi khi bạn cầm vũ khí với mục đích tự vệ, bạn đã chuẩn bị giết người rồi. Bạn phải làm như vậy. Bởi vì nếu bạn không sẵn sàng giết người với vũ khí này, thì bạn trở nên nguy hiểm hơn là không có vũ khí, vì chắc chắn bạn sẽ mất vũ khí trong một cuộc đối đầu bạo động và vũ khí này sẽ được dùng để giết bạn hay giết những người khác.”
Mục sư Schenck nói luật lệ tại Mỹ cho phép người dân sở hữu vũ khí, nhưng luật lệ không có câu trả lời cho câu hỏi liên quan tới đạo đức là giết người là đúng hay sai.