Đường dẫn truy cập

Người Mỹ cố tìm hiểu về chiến tranh Iraq, 10 năm sau cuộc chiến


Khói bốc lên từ Bộ Thương mại Iraq ở Baghdad sau khi bị trúng tên lửa trong 1 cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, 20/3/2003
Khói bốc lên từ Bộ Thương mại Iraq ở Baghdad sau khi bị trúng tên lửa trong 1 cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, 20/3/2003
Những cuộc thăm dò công luận trong năm 2011, vào lúc chấm dứt sự dính líu về quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq, cho thấy đa số người Mỹ cảm thấy việc Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq là một sai lầm. Những thiệt hại do chiến tranh gây ra đã đóng một vai trò chính trong việc hình thành cảm nghĩ của người Mỹ về cuộc chiến tranh này, và ngày nay, 10 năm sau khi Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq lật đổ Saddam Hussein, những cảm nghĩ này vẫn tồn tại. Thông tín viên Đài VOA Kane Farabaugh tường trình là thân nhân và bạn bè những người tử trận tiếp tục băn khoăn để tìm hiểu về ý nghĩa của cuộc chiến và những hậu quả gây ra.

Vào một buổi chiều mùa đông tháng Ba lạnh lẽo, cựu chiến binh chiến tranh Iraq Harvey Kanter cố kềm giữ nước mắt khi ông lội trong tuyết dùng bút chì để can lên giấy những tên tuổi lưu niệm nhớ đến những người bạn đã mất.

“Tôi không quên được những tên, và cũng không quên được sự việc xảy ra như thế nào.”

Số quân Mỹ tử trận tại Iraq, 2003 - 2012
Số quân Mỹ tử trận tại Iraq, 2003 - 2012
Những tên ông sẽ không bao giờ quên được khắc trên Bức tường Kỷ niệm những Cuộc Tranh chấp Trung Đông được dựng tại Marseilles, bang Illinois, thuộc về 3 người bạn ông cùng phục vụ trong quân đội Mỹ vào lúc cao điểm của cuộc nổi dậy tại Iraq - những thiệt hại trong cuộc chiến tranh không được ưa thích, mà theo ông Kanter, đã phai mờ trong trí nhớ công chúng Mỹ.

Một cuộc thăm dò do trang mạng Huffington Post và YouGov thực hiện vào tháng Giêng năm nay cho thấy 52% người Mỹ nghĩ là cuộc xâm chiếm Iraq vào năm 2003 là một sai lầm. 55% những người trả lời nói cuộc chiến tranh này không đáng để chiến đấu.

Ông John Bartosiewicz, một người tình nguyện làm việc tại Bức tường Kỷ niệm các Cuộc tranh chấp Trung Đông nói:

“Tôi không bao giờ muốn thấy một người nào đó nhìn vào bức tường và nói ‘Đây là một sai lầm, không đáng để chiến đấu’ khi trên tường có tên tất cả những người đã chết.”

Hai trong số những người con trai của ông John Bartosiewicz phục vụ trong quân đội, nhưng không có ai chiến đấu tại Iraq. Trong khi ông nói ông ủng hộ việc Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq năm 2003, ông cũng cảm thấy nhẹ nhỏm khi người Mỹ rút đi vào năm 2011.

“Nếu họ rút ra khỏi Iraq mà không đặt ra một mục đích và không đạt được mục đích này, thì tôi nghĩ đây không đáng để chiến đấu vì tất cả những sinh mạng bị mất mát và không thể đặt một giá trị nào trên việc này.”

Nhà nghiên cứu Matthew Schweitzer thuộc trường đại học Chicago là người sáng lập ra trang blog “Theo dõi Hậu chiến” chuyên phân tách tính chính đáng của việc Hoa Kỳ dính líu quân sự vào Iraq và Afghanistan nói:

Quân số Mỹ ở Iraq, 2003-2011
Quân số Mỹ ở Iraq, 2003-2011
“Trong chiến tranh, một câu thông thường là 'chúng tôi không ủng hộ chiến tranh nhưng chúng tôi ủng hộ quân đội của chúng ta.' Và tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải nhớ sự phân biệt này.”

Ông Schweitzer nói thêm là công luận Mỹ chuyển hướng quan trọng vào lúc Hoa Kỳ tăng quân tại Iraq vào năm 2005:

“Việc này đến quá trễ để có thể thực sự làm thay đổi công luận sau khi dân chúng thấy hàng ngàn, hàng trăm ngàn người Iraq chết và nhiều binh sĩ Mỹ chết vì mục đích dường như không thể nào đạt được.”

Ông Jerry Terando có người con trai là Joshua bị bắn tỉa chết vào năm 2005 tại Iraq. Ông nói:

“Rất khó thay đổi quan điểm của một người về thế nào là tự do, thế nào là dân chủ, cái giá phải trả cho tự do dân chủ như thế nào.”

Ông Jerry Terando biết rất rõ về cái giá này. Hiện nay ông nằm trong đa số người Mỹ có cái nhìn không thuận lợi về cuộc chiến Iraq.

“Bất chấp những gì các binh sĩ chiến đấu làm, tất cả các cuộc chiến tranh đều qui về chính trị. Nếu một quốc gia không muốn chiến thắng, hay một chính phủ không có ý chí, chúng ta chỉ phí phạm thời gian.”

Tên của Joshua hiện được khắc trên cẩm thạch tại Bức tường Kỷ niệm các Cuộc tranh chấp Trung Đông, một sự nhắc nhở thường xuyên là chiến tranh làm cho ông Jerry Terando và gia đình mất mát những gì.

“Tôi sẽ làm đủ mọi việc để làm cho con tôi sống lại, nhưng tôi hãnh diện vì con tôi cho những gì con tôi đã làm và sự hy sinh của con tôi. Và tôi chỉ mong muốn nước Mỹ ghi nhớ điều này và sự hy sinh của tất cả những người khác có tên trên bức tường này.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG