Những người biểu tình từ Jakarta đến Tunis ngày 20/10 yêu cầu Israel chấm dứt việc ném bom vào Gaza sau gần hai tuần xảy ra các cuộc không kích và pháo kích dữ dội mà chính quyền ở đó cho biết đã giết chết 4.100 người.
Israel đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trên bộ tại Gaza, vùng đất nhỏ bé nhưng đông đúc của người Palestine, nhằm tiêu diệt Hamas. Tổ chức hiếu chiến Hồi giáo Hamas đã bố ráp các thị trấn của Israel hôm 7/10, giết chết 1.400 người và bắt giữ nhiều con tin.
Trong khi một số chính phủ phương Tây lên tiếng ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel, nhiều quốc gia Hồi giáo kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, nhiều người dân của họ tức giận trước tình trạng tại Gaza và bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine.
Các cuộc biểu tình bất ngờ nổ ra khắp khu vực vào cuối ngày 17/10 sau khi chính quyền Gaza cho biết hàng trăm người đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại bệnh viện. Hamas cho rằng một cuộc không kích của Israel là nguyên nhân gây ra vụ này. Israel nói sự việc là do một vụ phóng tên lửa thất bại của một nhóm Palestine.
Tại Jordan, quốc gia đạt hòa bình với Israel vào năm 1994, nhưng là nơi phần lớn dân cư có nguồn gốc Palestine, hơn 6.000 người biểu tình đã tuần hành ở trung tâm thủ đô trong khi hàng nghìn người khác tập trung gần toà đại sứ Israel.
Những người biểu tình lên tiếng ủng hộ Hamas, kêu gọi lực lượng này tấn công Israel bằng rốc-két và đánh bom tự sát, đồng thời hướng tới nhóm Hamas bằng khẩu hiệu: “Chúng tôi là quân đội của các bạn”.
Hàng nghìn người biểu tình cũng tập trung ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, hai quốc gia khác có quan hệ ngoại giao đầy đủ từ lâu với Israel, yêu cầu chấm dứt ném bom Gaza.
Khoảng 2.000 người đã tập trung trước Ngôi đền Hồi giáo Beyazit ở Istanbul, đốt hình nộm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và vẫy cờ Palestine. Một số người giơ biểu ngữ: “Ngăn chặn nạn diệt chủng” và “Khủng bố Israel”.
Tại Ai Cập, hàng nghìn người biểu tình đứng tại Đền thờ Hồi giáo al-Azhar, một trong những ngôi đền cổ nhất thế giới, hô vang “Quân đội Ả Rập ở đâu?”, trong khi những người khác tập trung tại Quảng trường trung tâm Tahrir.
Một số yêu cầu hành động quân sự chống lại Israel, những người khác cho rằng các quốc gia Ả Rập nên xem xét sử dụng các phương pháp khác để ngăn chặn việc bắn phá Gaza. Ai Cập giáp Gaza nhưng chưa thể đàm phán về việc mở cửa khẩu để cho phép viện trợ.
Người biểu tình Mohammed Gomaa ở Cairo nói: “Palestine là quốc gia duy nhất đoàn kết tiếng nói của chúng ta. Nếu các nước vùng Vịnh không gửi viện trợ, ít nhất họ cũng nên ngừng gửi dầu khí. Đó là điều tối thiểu họ nên làm”.
Đốt cờ và hình nộm
Tại Maroc, nơi chính phủ đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 để đổi lấy việc Mỹ công nhận chủ quyền của Maroc đối với lãnh thổ tranh chấp ở Tây Sahara, những người Hồi giáo và cánh tả cho biết họ sẽ tổ chức biểu tình tọa kháng cuối ngày 20/10.
Hàng trăm người đã tuần hành ở trung tâm Tunis trong cuộc biểu tình nhỏ hơn những cuộc biểu tình trong những ngày trước phản đối chiến dịch Gaza của Israel. Những người khác biểu tình trước toà đại sứ Hoa Kỳ.
Ông Souhail Ben Nasser, một người biểu tình trong đám đông Tunis, nói: “Kẻ khủng bố thực sự là Israel và Mỹ ủng hộ nước này”.
Ở Đông Nam Á, hàng trăm người đã tụ tập biểu tình gần toà đại sứ Hoa Kỳ ở thủ đô của Indonesia và Malaysia, đốt cờ Israel và đạp lên ảnh của Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bà Qilla Marisa, một người biểu tình ở Kuala Lumpur, nói: “Hôm nay chúng tôi tập trung ở đây với cùng ý định lên án hành động tội ác của Israel”.
Người Hồi giáo ở Ấn Độ đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ hơn ở Jaipur và Mumbai, giương cao các biểu ngữ ghi “Palestine tự do”.
Kẻ thù lớn nhất trong khu vực của Israel là Iran và các nhóm đồng minh trong khu vực cũng tổ chức các cuộc biểu tình do nhà nước hỗ trợ. Tại Iraq, lực lượng dân quân Shi'ite được Tehran hậu thuẫn đã huy động hàng trăm người ủng hộ ở Baghdad gần cây cầu dẫn đến Khu vực Xanh kiên cố, nơi đặt toà đại sứ Mỹ.
Tại biên giới Iraq với Jordan, hàng trăm người ủng hộ các nhóm bán quân sự do Iran hậu thuẫn đã tổ chức biểu tình tọa kháng để lên tiếng ủng hộ Gaza. Ông Hussein Samir, 26 tuổi, một trong số họ, nói: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân của chúng tôi ở Palestine”.
Diễn đàn