Đường dẫn truy cập

Người cha kêu oan 16 năm cho con trai tử tù: ‘Nếu thi hành án tôi sẽ mang xác của Chưởng lên Hà Nội đòi mạng’


Ông Nguyễn Trường Chinh (trái) cùng mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (phải) và những người ủng hộ căng băng rôn trước cơ quan công quyền ở Hà Nội để kêu oan cho con trai ông, Nguyễn Văn Chưởng, người bị kết án tử hình năm 2007.
Ông Nguyễn Trường Chinh (trái) cùng mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (phải) và những người ủng hộ căng băng rôn trước cơ quan công quyền ở Hà Nội để kêu oan cho con trai ông, Nguyễn Văn Chưởng, người bị kết án tử hình năm 2007.

“Tôi bán hết nhà cửa, vườn đất. Tôi lên Hà Nội làm thuê làm mướn đủ trò để lấy tiền in đơn kêu oan cho con tôi,” ông Nguyễn Trường Chinh nói về những tháng ngày ông và vợ “lê la” ở thủ đô để kiến nghị đến các cơ quan công quyền về bản án tử hình mà ông cho là oan sai đối với con trai mình.

Trong hơn 16 năm qua, ông Chinh, một cựu chiến binh, đã liên tục gửi đơn lên tất cả các cấp chính quyền và tọa kháng trên các đường phố Hà Nội chỉ với một lời khẩn cầu để những người có thẩm quyền xem xét lại bản án kết tội con trai ông giết người.

Con trai ông, Nguyễn Văn Chưởng, bị buộc tội sát hại một thiếu tá công an vào năm 2007 và bị kết án tử hình vì hai tội danh giết người và cướp tài sản. Anh Chưởng, mới 24 tuổi khi bị kết án, khẳng định mình không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ án đêm ngày 14/7/2007 dẫn đến cái chết của thiếu tá Nguyễn Văn Sinh. Trước tòa, anh nói rằng anh bị tra tấn, bức cung và nhục hình để phải nhận tội lỗi mà anh không làm.

Anh Chưởng đã dùng tăm và chỉ từ chiếc chăn trong trại giam để viết thành một tờ đơn kêu oan và khẳng định mình vô tội. Trong ba câu đầu của bài thơ, được ông Chinh đọc lại cho VOA, anh Chưởng viết: “Án oan ôm hận nhờ Chính phủ / Giải oan hận này cho dân đen / Tấm lòng trong sạch thiên địa biết.”

Bản án tử hình anh Chưởng có hiệu lực từ năm 2014. Vụ án đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Vào năm 2015, vụ án được viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao bác kháng nghị này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lúc đó nói rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì “vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng.”

Nhưng gia đình ông Chinh không từ bỏ quyết tâm đi kêu oan cho con trai mình.

“Tháng nào tôi cũng gửi thư kêu oan cho con đến 4 nơi: Đó là chủ tịch nước, ủy ban tư pháp quốc hội, rồi tòa án tối cao và viện kiểm sát nhân dân tối cao,” ông Chinh nói và cho biết ông đi từ Hải Dương lên Hà Nội trong hơn 16 năm qua kể từ khi con ông bị kết án tử hình.

Những nỗ lực kêu oan cho con của ông Chinh, người từng chiến đấu trong quân đội Nhân dân Việt Nam vào “giải phóng” miền Nam, qua các lá đơn gửi đến các lãnh đạo và cơ quan công quyền không ngăn được việc con ông bị tòa ra quyết định thi hành án tử hình năm 2014.

“Trước đây tôi chỉ (lên Hà Nội) nộp đơn hàng tháng và tôi về,” ông Chinh, từng làm nghề nông ở Hải Dương, nói. “Nhưng năm 2014, họ bắt đầu đưa con tôi ra thi hành án thì từ đấy tôi mới lên ở hẳn Hà Nội. Tôi bán hết tài sản nhà cửa. Bắt đầu hết tiền rồi.”

Nhận thấy việc kêu oan qua các lá đơn không có hiệu quả, ông Chinh đến trước cửa các cơ quan công quyền của đảng và nhà nước, gồm cả quốc hội và văn phòng chủ tịch nước, để căng các băng rôn viết “Hãy cứu Nguyễn Văn Chưởng sắp bị chết oan.”

“Còn khi hết giờ hành chính, tôi ra ngồi chỗ đông người giơ băng rôn lên ngồi tọa kháng, ngồi yên để cho họ nhìn,” ông Chinh nói. “Tôi ngồi tọa kháng là không phải la hét gì chỉ ngồi để người ta nhìn vào cái băng rôn đó và người ta tự hiểu là mình là một ông già đi kêu oan cho con trai sắp bị giết oan.”

Ông Chinh, 78 tuổi, cho biết ông đã ngồi tọa kháng ở vườn hoa Lý Thái Tổ gần Hồ Hoàn Kiếm liên tục trong vòng 1 tháng vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, người qua đường ban đầu chỉ tò mò đứng lại chụp hình một lúc rồi đi. Cho đến khi việc tọa kháng của ông bị công an đến dẹp thì mới gây được sự chú ý của công chúng.

“Tự công an họ làm cho tôi nổi lên chứ trước đấy ngồi một mình thì không nổi, ít người quan tâm lắm,” ông Chinh nói và cho biết ông còn bị công an bắt về đồn khi tọa kháng với những băng rôn viết “Yêu cầu điều tra lại vụ án oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng không giết người bị án tử hình oan.”

Ngoài việc gửi đơn kêu oan lên các cơ quan chính phủ hay ngồi tọa khác ở những nơi đông người, ông Chinh còn dùng máu của chính mình để viết bức thư gửi chủ tịch nước đề nghị xem xét lại vụ án của con ông.

“Tôi dùng xi lanh lấy máu trực tiếp từ ven ở cổ tay mình,” ông Chinh nói. “Mà viết một cái đơn kêu oan lâu lắm thành thử (máu) chảy lênh láng cả nhà. Tôi cứ để (máu) chảy vì mình dừng lại thì nó lại đông mất. Nó chảy ra đâu tôi viết đấy.”

Sau đó không lâu vào đầu năm 2015, vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng được rà soát lại bởi một đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó đến nay, anh Chưởng vẫn bị giam giữ và chờ thi hành tử hình. Gia đình ông Chinh vẫn tiếp tục kêu oan cho con trai mình.

O-A-N

Ba con hươu do tử tù Nguyễn Văn Chưởng đan bằng nilon ở trong tù được gửi bí mật ra cho gia đình với 3 chữ O-A-N.
Ba con hươu do tử tù Nguyễn Văn Chưởng đan bằng nilon ở trong tù được gửi bí mật ra cho gia đình với 3 chữ O-A-N.

Trong khi ông Chinh và vợ gửi đơn kêu oan lên chính quyền và đi căng băng rôn trên đường phố Hà Nội thì con trai ông cũng nỗ lực kêu oan cho chính mình.

Anh Chưởng đã gửi những bức thư nói về vụ án, việc mình bị tra tấn cùng nỗi oan ức của anh qua những con hươu, con hạc hay các trái tim mà anh dùng nilon và giấy từ các gói quà gia đình gửi vào để gấp. Những bức thư được viết vào các tờ giấy nhỏ nhét trong những con hươu và được gửi ra bí mật cho gia đình. Trong số đó có ba con hươu thêu các chữ khi ghép lại thành “OAN” được anh Chưởng làm trong 4 tháng.

“Chưởng nó đan được một nghìn con hạc. Nó phải đan như thế để nó quyết tâm, thứ nhất là rèn luyện thân thể thứ hai là nó gửi ra để cho mọi người biết nó oan khuất như thế nào,” ông Chinh nói và cho biết điều đó càng làm cho vợ chồng ông quyết tâm kêu oan cho con.

Khi ông Chinh công bố những bức thư này vào năm 2015 thì anh Chưởng không được phép làm những món đồ như vậy gửi ra cho gia đình nữa.

Con trai thứ của ông Chinh, Nguyễn Trọng Đoàn, tức em trai của anh Chưởng, cũng đã tìm cách giải oan cho anh mình. Anh Đoàn đi thu thập các bằng chứng ngoại phạm để chứng minh anh mình ở Hải Dương khi vụ án xảy ra ở Hải Phòng. Những người làm chứng cho việc này sau đó đã thay đổi lời khai và bản thân anh Đoàn cũng bị kết án tù hai năm vì tội “che giấu tội phạm.”

Anh Đoàn sau đó công khai nói rằng anh bị công an tra tấn và mớm cung. Sau khi ra tù, anh Đoàn đã lập gia đình, có con. Sau một thời gian chống trọi với bệnh ung thư xương, anh ra đi hồi đầu tháng 6 để lại bố mẹ anh tiếp tục cuộc chiến chống lại bản án oan cho anh trai anh.

Luật sư Lê Văn Hòa, người từng là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương và làm đại diện pháp lý cho gia đình ông Chưởng, cho rằng có nhiều mâu thuẫn trong những lời khai của các bị cáo và nhân chứng và rằng anh Chưởng có bằng chứng ngoại phạm, cũng như có vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ hiện trường.

Ngày 4/8, ông Chinh và gia đình nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng về việc Tòa đã ra quyết định tiến hành tử hình con trai ông. Ông Chinh được thông báo rằng gia đình ông có thể làm đơn xin nhận tử thi hay tro cốt của con mình.

Trong những ngày vừa qua, ông Chinh và vợ tích cực đi kêu oan cho con trai. Lần này ông được sự trợ giúp của các bà mẹ tử tù Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh. Những người phụ nữ này đã đồng hành cùng vợ chồng ông khi ngồi tọa kháng trên các đường phố Hà Nội và giơ băng rôn kêu oan cho Nguyễn Văn Chưởng.

Hàng nghìn cá nhân và tập thể cũng đã ký vào các lá đơn kêu oan cho con trai ông Chinh. Không những thế việc kêu oan cho con trai ông cũng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Nhiều cơ quan tổ chức nước ngoài, trong đó có Liên minh châu Âu, và cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra những bức thư ngỏ và lời kêu gọi đến chủ tịch nước và Chính phủ Việt Nam để yêu cầu họ ngừng thi hành bản án đối với anh Chưởng. Họ cũng cho rằng bản án được tuyên cho anh không công bằng khi anh bị tra tấn để phải thú tội và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về vụ án này.

“Tôi thấy được hiệu quả của việc kêu oan của tôi,” ông Chinh nói. “Cộng đồng từ ngoài nước đến trong nước họ nhìn thấy và hiện nay (sự kêu oan) đã có hiệu quả. Họ đã nhìn nhận được vấn đề và đã có những tác động tới chính phủ Việt Nam.”

Cho đến thời điểm ngày 24/8, chính phủ Việt Nam chưa công khai lên tiếng phản hồi những lời kêu gọi và yêu cầu từ cộng đồng quốc tế.

Dù lời kêu oan của ông Chinh trong 16 năm qua đã có được kết quả nhưng “cái mong muốn tột cùng” của ông Chinh đó là con trai ông “phải được thả tự do, được cứu sống.”

Ông Chinh cho biết gia đình ông vẫn không biết ngày nào con ông sẽ bị thi hành án và ông sẽ tiếp tục kêu oan cho con trai.

“Nếu (họ) cố tình thi hành án, tôi sẽ mang cái xác của Chưởng lên Hà Nội, đến các cơ quan trung ương Đảng, Nhà nước để đòi mạng,” ông Chinh nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG