Đường dẫn truy cập

Người biểu tình Hong Kong: Nguồn khích lệ cho các nhà hoạt động VN


Người biểu tình nắm tay nhau tại Quảng trường Bauhinia Golden ở Hong Kong.
Người biểu tình nắm tay nhau tại Quảng trường Bauhinia Golden ở Hong Kong.

Vào lúc hàng ngàn người đổ xuống các đường phố ở Hong Kong, giới hoạt động đòi dân chủ Việt Nam đang theo dõi các diễn biến. Tình cảm bài Trung dâng cao tại quốc gia cộng sản này, nhất là sau các liên quan đến những khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nhưng các cuộc biểu tình thường vấp phải sự trấn áp nhanh chóng của cảnh sát. Thông tín viên Marianne Brown tường trình từ Hà Nội.

Đường phố Hà Nội không có những cây dù biểu tượng, nhưng nhiều người Việt Nam đang mượn Internet để bày tỏ sự ủng hộ dành cho người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong.

Trên Facebook, các hình ảnh dùng biểu tượng con chim bồ câu thắt một chiếc nơ vàng để bày tỏ tình đoàn kết với các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Biểu tượng mà nhà hoạt động Anh Chi sử dụng cho thấy một bức ảnh của chính mình mang một tấm bảng với hàng chữ “Ủng hộ phong trào bất tuân dân sự Hong Kong” bằng tiếng Anh. Anh nói cuộc biểu tình đã khích lệ nhiều người Việt ủng hộ thay đổi chính trị.

Anh nói: “Chúng tôi học được nhiều bài học của các nhà hoạt động ở Hong Kong, cách thức họ có thể kêu gọi nhiều người đến trung tâm, trao đổi ý kiến, ủng hộ người biểu tình bằng thức ăn thức uống và những vật dụng cần thiết mà mọi người cần đến trong dài hạn, trong nhiều ngày.”

Người biểu tình ở Hong Kong có một mục tiêu rõ ràng: bảo đảm rằng các ứng cử viên tranh cử không nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, một cải cách chính trị hấp dẫn nhiều nhà hoạt động Việt Nam.

Các cuộc biểu tình nổi bật thường nhắm vào việc phản đối Trung Quốc khi chính sách đối ngoại của họ được cho là xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Những cuộc tụ tập này thường bị công an giải tán, một phần vì sợ chúng có thể trở thành chống chính phủ.

Phong trào dân chủ Hong Kong được các nhà bình luận gọi là 'Cuộc Cách mạng Dù' vì nhiều người biểu tình đã dùng dù để che chắn khi cảnh sát dùng bình xịt hơi cay để xịt vào họ.
Phong trào dân chủ Hong Kong được các nhà bình luận gọi là 'Cuộc Cách mạng Dù' vì nhiều người biểu tình đã dùng dù để che chắn khi cảnh sát dùng bình xịt hơi cay để xịt vào họ.

Theo nhà hoạt động Anh Chi, tại Việt Nam, các cuộc biểu tình thường mang tính tự phát, không giống như các cuộc tụ tập có tổ chức ở Hong Kong, nhưng cũng có những điểm tương đồng.

Anh nói: “Ở Hong Kong, Trung Quốc gọi các cuộc biểu tình là bất hợp pháp. Chính phủ Việt Nam cũng gọi các cuộc biểu tình ở Hà Nội hay Saigon là bất hợp pháp. Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi hành động, làm cho cuộc biểu tình theo đúng hiến pháp và nếu họ không có luật pháp, thì đó là việc của họ, chứ không phải là việc của người dân.”

Anh nói anh tin rằng chính phủ lo ngại về các cuộc biểu tình ở Hong Kong và mọi mưu toan xuống đường ở Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ sẽ bị công an ngăn chặn.

Nhưng dường như không có bất cứ hạn chế nào về các bài tường thuật những cuộc tụ tập trên các phương tiện truyền thông nhà nước, với các báo chí toàn quốc đăng tải những bài tường thuật tại chỗ của các nhà báo địa phương.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói các cuộc biểu tình ở Hong Kong là 'vấn đề nội bộ' của Trung Quốc.

Ông Bình nói Việt Nam hy vọng Hong Kong sẽ có những biện pháp thích nghi đã ổn định hoá tình hình và bảo đảm an toàn và tài sản cho người dân.

Chuyên gia phân tích về Việt Nam Jonathan London thuộc trường Đại học Thành phố Hong Kong, đã đi thăm các cuộc biểu tình hôm thứ tư.

Ông London nói: “Nói chung, các cuộc biểu tình có xu hướng thoải mái, vui vẻ, duy trì tốt, cực kỳ sạch sẽ và đáng kính. Đa số người trẻ và thanh thiếu niên, nhưng chắc chắn có một chút màu sắc cấp tiến của những người cao tuổi hơn. Vào lúc này, mọi người đang chờ đợi một điều gì đó, nhưng chưa biết là điều gì.”

Ông London nói ông nghĩ người Việt Nam đang “bị tác động cực kỳ” bởi phong trào đứng lên chống lại Trung Hoa lục địa.

Qua những bài tường thuật tin tức trên Internet, người Việt Nam có điều ông gọi là cái nhìn từ “hàng ghế đầu” về những diễn biến ở Hong Kong vào một thời điểm khi đất nước họ đang tham gia vào một cuộc tranh luận to lớn về chính sự và các cơ chế chính trị.

Ông London nói: “Trong khi những người có các quan điểm trái ngược nhau và đặc biệt tìm cách chống đối chính quyền bị đặt dưới những làn sóng áp bức, thì thảo luận chính trị ở Việt Nam ngày này ở tư thế trong đó vụ bùng nổ của phong trào xã hội ở quy mô lớn tại Hong Kong có thể được bàn luận công khai và rộng rãi, và tôi cho rằng đó là điều nổi bật trong lịch sử gần đây của Việt Nam.”

Cho đến khi có một giải pháp cho vụ giằng co giữa người biểu tình và chính quyền ở Hong Kong, chưa rõ các sự kiện đó sẽ đem lại hậu quả ra sao đối với giới hoạt động của Việt Nam, nhưng chắc chắn họ đang theo dõi sát các diễn biến.

Xem trực tiếp biểu tình ở Hong Kong:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG