Đường dẫn truy cập

Ngũ giác đài sẵn sàng bảo vệ máy bay Mỹ trong khu vực phòng không TQ mới thiết lập


Tàu tuần duyên của Nhật Bản chạy song song với tàu đánh cá của các nhà hoạt động cảnh báo họ tránh khu vực đảo tranh chấp. Mấy chục nhà hoạt động Nhậtvà ngư dân cho tàu chạy vào nhóm đảo nhỏ đang tranh chấp với Trung Quốc. Họ được tuần duyên Nhật giám sát chặt chẽ, nhưng không có tàu tuần Trung Quốc trong khu vực và không có vấn đề gì được báo cáo, 18/8/13
Tàu tuần duyên của Nhật Bản chạy song song với tàu đánh cá của các nhà hoạt động cảnh báo họ tránh khu vực đảo tranh chấp. Mấy chục nhà hoạt động Nhậtvà ngư dân cho tàu chạy vào nhóm đảo nhỏ đang tranh chấp với Trung Quốc. Họ được tuần duyên Nhật giám sát chặt chẽ, nhưng không có tàu tuần Trung Quốc trong khu vực và không có vấn đề gì được báo cáo, 18/8/13
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cho biết Tokyo đang làm việc chặt chẽ với Washington sau khi Trung Quốc thiết lập một khu vực phòng không trên vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa. Thông tín viên VOA Luis Ramirez tường thuật rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản thề quyết không công nhận khu vực phòng không mà Bắc Kinh đòi tất cả các máy bay quân sự và dân sự bay trong đó phải thông báo lý lịch và tuân hành mệnh lệnh của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera, hôm nay (26-11-2013) nói rằng Lực lượng Tự vệ Nhật đang làm việc với quân đội Mỹ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của nước Nhật. Ông nói:

"Bộ Quốc phòng và Lực lượng tự vệ sẽ xem xét tình hình và sẽ làm tất cả những việc cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và không phận của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về những gì cần phải làm để tiếp tục giám sát và tuần tiễu khu vực này dựa trên luật tự vệ và luật pháp quốc tế."

Trong lúc lên án hành động của Trung Quốc, các giới chức Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng hành động đó không ảnh hưởng gì tới cách thức hoạt động của họ trong khu vực.

Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, hôm nay nói rằng các chuyến bay thương mại của Nhật sẽ “tiếp tục hoạt động dựa trên những qui định cố hữu.”

Hôm qua, một người phát ngôn của Ngũ giác đài, Đại tá Steve Warren, khẳng định hành động của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cách thức mà Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực. Đại tá Warren nói:

"Khi chúng tôi bay vào vùng trời đó chúng tôi sẽ không khai báo kế hoạch bay. Chúng tôi sẽ không xác định số máy thu phát tín hiệu của mình, tần số vô tuyến của mình và biểu tượng của mình."

Đó là 4 việc mà ông Warren cho biết Trung Quốc giờ đây đòi hỏi tất cả các máy bay bay vào vùng đó phải thực hiện. Ông nói thêm như sau:

"Tuần trước, đó không phải là những chuyện phải làm. Các lực lượng Mỹ có thể bay qua đó mà không phải làm bất kỳ chuyện nào trong những chuyện đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục không làm những chuyện đó."

Hoa Kỳ nói rằng khu vực đó là không phận quốc tế và họ sẵn sàng hành động để bảo vệ máy bay của mình trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.

Các phi cơ của quân đội Mỹ bay trong khu vực đó thường là để tham gia các chương trình huấn luyện và không vũ trang.
Các giới chức Ngũ giác đài cho biết các lực lượng Mỹ luôn luôn duy trì khả năng tự bảo vệ, nhưng họ không nói rõ những khí tài quân sự nào mà Hoa Kỳ sẽ sử dụng trong trường hợp Trung Quốc có những hành vi xâm lấn.

Khu vực phòng không mới của Trung Quốc chồng lấn với không phận Nhật trên nhóm đảo mà hai nước đều tuyên bố có chủ quyền. Quần đảo không người ở này Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Hoa Kỳ công nhận quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo này, nhưng tuyên bố không có lập trường đối với vấn đề chủ quyền tối hậu của các đảo.

Hôm thứ bảy tuần trước, ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập khu vực phòng không mới, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đưa ra một thông cáo để chỉ trích điều mà ông gọi là “một mưu toan gây bất ổn để thay đổi hiện trạng”.

Bắc Kinh đã bác bỏ những sự chỉ trích và nói rằng họ có quyền hành động như vậy để bảo vệ chủ quyền và không phận của Trung Quốc. Hôm qua, các giới chức ở Bắc Kinh cũng đưa ra kháng nghị ngoại giao cho Đại sứ Gary Locke của Mỹ và Đại sứ Kitera Masato của Nhật. Các giới chức này yêu cầu Washington và Tokyo “sửa chữa những sự sai lầm” và ngưng đưa ra điều mà họ cho là “những lời phát biểu vô trách nhiệm.”

Mặc dù chính phủ ở Tokyo tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập khu vực phòng không mới không ảnh hưởng tới các chuyến bay thương mại của Nhật, một số hãng máy bay Nhật cho biết họ đã bắt đầu thông báo cho Trung Quốc khi máy bay của họ tiến vào khu vực đó.

Một số người cho rằng đây là một sự thừa nhận đối với quyền kiểm soát của Trung Quốc, nhưng ông Scott Harold, một chuyên gia Trung Quốc của tổ chức RAND Corporation, nói rằng đó không phải là mục tiêu chính của Trung Quốc. Ông nói:

"Mục tiêu thật sự của khu vực phòng không này không phải là tìm cách đối phó với các hãng máy bay dân sự, bởi vì những hãng máy bay lúc nào cũng sẵn sàng cho biết máy bay của họ ở đâu và định bay tới đâu. Mục tiêu thật sự của Trung Quốc là tìm cách không cho máy bay quân sự của Nhật, của Mỹ hoặc của Hàn Quốc, và thậm chí là của Đài Loan, bay trong khu vực đó mà không có sự cho phép của Trung Quốc."

Theo nhận định của ông Harold, mục đích tối hậu của chính sách này là buộc Nhật Bản ngồi vào bàn hội nghị qua việc đe dọa sẽ có những hành động chống lại những máy bay quân sự của Nhật.

Ông Yoichiro Sato, một nhà phân tích an ninh của Đại học Á châu Thái bình dương Ritsumeikan ở Nhật Bản, cho đài VOA biết rằng hành động của Trung Quốc làm cho Washington phải gia tăng sự hậu thuẫn đối với Nhật Bản trong vấn đề liên quan tới quần đảo Senkaku. Ông nhận định:

"Hành động mạnh mẽ này của Trung Quốc được thực hiện sau khi xuất hiện tình trạng mà một số người nghĩ là sự cam kết yếu ớt của Mỹ đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và sự phòng vệ của quần đảo Senkaku. Trung Quốc đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm."

Giáo sư Sato nói thêm rằng vào thời điểm này, Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác hơn là tăng cường sự cam kết đối với Nhật Bản, vì nếu không như vậy, Washington sau này sẽ phải đối mặt với một vấn đề rất lớn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG