Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ ‘đưa ra cam kết mạnh mẽ’ với Indonesia


Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (phải) hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (phải) hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với Indonesia hôm 13/12, một quan chức cấp cao cho biết, khi ông bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á nhằm tăng cường quan hệ với một khu vực vốn đã trở thành đấu trường chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền hồi tháng 1, ông Blinken đã hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nhà lãnh đạo đầu tiên mà ông sẽ gặp trong chuyến công du 4 ngày vốn cũng bao gồm các điểm dừng chân ở Malaysia và Thái Lan.

Tóm tắt cuộc gặp với ông Jokowi, cách ông Widodo được gọi thân mật, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết ông Blinken đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến mối quan hệ đối tác với Indonesia, nhất là cơ sở hạ tầng.

“Cam kết của Mỹ là rất đáng chú ý,” ông Retno nói trước báo giới.

Đông nam Á là sân khấu quan trọng cho sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai nước đấu tranh gay gắt để tranh giành ảnh hưởng trong lúc chính quyền Biden tìm cách kết nối lại với một khu vực mà cam kết của Mỹ đã bị nghi ngờ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Blinken chúc mừng ông Jokowi trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia và bày tỏ ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này, với tư cách là ‘người ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, và nói thêm rằng nhân quyền, đại dịch và cuộc khủng hoảng khí hậu cũng được đưa ra thảo luận.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất và là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Quốc gia này là nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới, và cũng là chiếm 1/3 diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới.

Ông Blinken sẽ có bài phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ vào ngày 14/12 tại thủ đô Jakarta trước các cuộc gặp ở Malaysia và Thái Lan lần lượt vào ngày 15 và 16/12.

Ông Blinken sẽ theo đuổi mục tiêu của ông Biden là thúc đẩy sự can dự với khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và thảo luận về tầm nhìn của ông Biden về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á nói trước chuyến đi.

Mỹ cũng đã phản công sự quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông, đường dẫn cho lượng giao thương trị giá đến 3 nghìn tỷ đô la hàng năm, và cáo buộc đội tàu tuần dương đông đảo của Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia bằng cách ngăn chặn các hoạt động khai thác dầu khí và đánh cá của các nước này.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển này, và đã bác bỏ hành động của Mỹ là sự can thiệp từ bên ngoài.

Chính quyền Biden coi sự can dự chặt chẽ hơn vào khu vực đông nam Á là rất quan trọng đối trong nỗ lực đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng việc ông Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hồi năm 2017 đã hạn chế khả năng Washington tạo ảnh hưởng kinh tế, trong lúc Bắc Kinh tìm cách củng cố quan hệ giao thương với khu vực.

Chính quyền Biden vẫn chưa nêu chính xác khuôn khổ kinh tế dự kiến của Mỹ với khu vực sẽ là gì.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG