Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ


Ngoại trưởng John Kerry vẫy chào trước khi đáp máy bay đi Doha tại Căn cứ không quân Andrews ở Maryland ngày 21 tháng 6, 2013. Chủ nhật này, Ngoại trưởng Kerry sẽ từ Doha đáp máy bay đến New Dehli.
Ngoại trưởng John Kerry vẫy chào trước khi đáp máy bay đi Doha tại Căn cứ không quân Andrews ở Maryland ngày 21 tháng 6, 2013. Chủ nhật này, Ngoại trưởng Kerry sẽ từ Doha đáp máy bay đến New Dehli.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến Ấn Độ vào tuần tới để hướng dẫn phái đoàn Mỹ tại cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới. Từ New Dehli, thông tín viên Aru Pande của đài VOA tường thuật rằng đôi bên sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong nhiều lãnh vực, từ thương mại cho tới an ninh.

Trong một thông điệp thu hình gởi tới người dân Ấn Độ trước chuyến công du, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nhắc lại nhận định của Tổng thống Barack Obama là tình hữu nghị Mỹ-Ấn là một trong những mối quan hệ hợp tác sẽ định đoạt cuộc diện của thế kỷ 21.

Ông Kerry nêu lên những lãnh vực then chốt mà hai nước đang hợp tác với nhau.

Ông Kerry nói: "Từ giáo dục bậc cao đẳng cho tới năng lượng sạch, từ chống khủng bố cho tới khoa học không gian, chúng ta đang nắm bắt những cơ hội để làm việc chung với nhau, và khi làm như vậy, chúng ta làm gia tăng sự thịnh vượng và an ninh của nhân dân hai nước. Hoa Kỳ và Ấn Độ chia sẻ một cam kết mạnh mẽ và lâu dài đối với hòa bình và thịnh vượng của Afghanistan."

Ông Kerry cũng nói tới kim ngạch mậu dịch song phương mà ông cho biết đã tăng gấp 5 lần trong vòng một thập niên, lên tới mức 86 tỉ đô la vào năm 2011.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng quan hệ Mỹ-Aán cũng có nhiều thách thức.

Tuy hoạt động thương mại đã gia tăng trong khu vực quốc phòng, Washington đã yêu cầu Ấn Độ để cho hàng hóa của Mỹ được tiếp cận thị trường Ấn Độ dễ dàng hơn. Về phần mình, New Dehli muốn Hoa Kỳ có chính sách di dân thân thiện hơn để các công nhân tay nghề cao của Ấn Độ có thể tiến vào thị trường lao động Mỹ.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Liên hiệp quốc, ông S.D. Muni, nói rằng đó không phải là những vấn đề mới và cần phải được giải quyết để cho các mối quan hệ có thể tiến lên một tầm cao mới.

Ông Muni nói: "Tiềm năng của các mối quan hệ Mỹ-Ấn lệ thuộc vào việc tất cả những mối quan tâm đó được giải quyết, bởi vì không có cách nào khác để Ấn Độ và Hoa Kỳ đạt tới tiềm năng đầy đủ của các mối quan hệ song phương. Thật ra, thương mại Aán-Trung lớn hơn nhiều so với thương mại Ấn-Mỹ và thương mại Mỹ- Trung thì thật là khổng lồ so với thương mại Mỹ-Ấn."

Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ hồi gần đây đã cùng với Hiệp hội các nhà chế tạo toàn quốc và các tổ chức doanh nghiệp khác của Mỹ hối thúc Tổng thống Barack Obama có hành động chống lại chính phủ Ấn Độ vì điều mà họ cho là những cách thức làm việ có tính chất phân biệt đối xử trong lãnh vực thương mại.

Trong một văn thư gởi cho ông Obama, các tổ chức thương mại Mỹ nêu lên các phán quyết của tòa án Ấn Độ mà họ nói là không ngớt làm ngơ những quyền được quốc tế công nhận, trong đó có việc “từ chối, phá vỡ hoặc hủy bỏ những tác quyền sáng chế của hơn 10 loại thuộc cứu mạng người.”

Hồi tháng tư Tối cao Pháp viện Ấn Độ đã bác bỏ nỗ lực của công ty dược phẩm Novartis để sở hữu quyền sáng chế cho một phiên bản mới của một loại thuốc trị ung thư. Đây là một phán quyết có tính chất dấu mốc cho phép các công ty Ấn Độ tiếp tục sản xuất những phiên bản không nhãn hiệu và rẻ hơn của loại thuốc này.

Ông Bharat Karnad của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli cho biết vấn đề này có phần chắc sẽ được mang ra thảo luận tại cuộc đối thoại chiến lược vào tuần sau.

Ông Karnad cho biết: "Vấn đề ở đây là tòa án Ấn Độ cho rằng luật về quyền sáng chế của những loại thuốc cứu mạng người có thể bị xâm phạm, bởi vì điều đó quan trọng hơn. Họ nghĩ rằng cứu mạng người quan trọng hơn là bảo đảm lợi nhuận của những công ty dược phẩm của Mỹ. Đây là một vấn đề nan giải và tôi không rõ sẽ có giải pháp nào cho vấn đề này vì các tòa án Ấn Độ đã có lập trường như vậy."

Ông Karnad cho rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ nên chú tâm vào toàn cục và hợp tác chặt chẽ với nhau trong lúc hai nước đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng và đầu tư ở Á châu Thái bình dương.

Chiến lược tái cân bằng sang Á Châu là một trong các sáng kiến then chốt về chính sách đối ngoại của chính phủ của Tổng thống Obama, và Ấn Độ, trong nhiều năm qua, đã theo đuổi chính sách “Nhìn về hướng Đông”. Ông Karnad cho biết cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, trong chuyến công du Ấn Độ năm 2011, có nói rằng Ấn Độ không nên chỉ nhìn về hướng đông mà còn nên “chủ động giao tiếp với các nước ở hướng đông và hành động như một nước ở hướng đông.”

Ông Karnad nói: "Nếu Ấn Độ làm như vậy và tăng cường công cuộc hợp tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á, với Đài Loan, Philippines, và tất cả những nước khác, đặc biệt là Việt Nam, và có sự nối kết có tính chất cơ cấu và bao quát với Hoa Kỳ, Nhật Bản và vùng Viễn Đông, thì chúng ta sẽ có một kiến trúc an ninh rất vững vàng."

Chủ nhật này, Ngoại trưởng Kerry sẽ từ Doha đáp máy bay đến New Dehli, và theo dự liệu, ông sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng về chính sách. Ông cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc đối thoại chiến lược thường niên lần thứ tư và sẽ họp với ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid trưóc khi lên đường đi thăm Ả rập Xê-út vào ngày thứ ba.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG