Các chuyên gia nhận định rằng việc sa thải Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người thường lên tiếng mạnh mẽ về sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam, buộc Hà Nội phải thích ứng kịp thời trong tình hình mới.
Giáo sư Tương Lai, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu thủ tướng Việt Nam, cho VOA biết rằng ông Tillerson từng phản đối gay gắt việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền, và chính ông là người khiến Bắc Kinh lo ngại:
“Có lẽ người mà Trung Quốc ngại, Ngoại trưởng của Trung Quốc ngại chính là ông Tillerson. Nhưng bây giờ việc Tổng thống Trump sa thải ông Tillerson khiến cho Việt Nam phải nhìn nhận rõ hơn vị thế của Việt Nam, để giữ một thái độ tự lập, tự cường, không phụ thuộc vào bên ngoài.”
Có lẽ người mà Trung Quốc ngại, Ngoại trưởng của Trung Quốc ngại chính là ông Tillerson. Nhưng bây giờ việc Tổng thống Trump sa thải ông Tillerson khiến cho Việt Nam phải nhìn nhận rõ hơn vị thế của Việt Nam, để giữ một thái độ tự lập, tự cường, không phụ thuộc vào bên ngoài.Giáo sư Tương Lai
Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, người theo dõi sát chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhận định với VOA rằng việc ra đi của ông Tillerson có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam:
“Cho đến nay chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc chưa rõ ràng và dứt khoát. Ông Tillerson là người theo trường phái đương đầu với Trung Quốc, mà ông ra đi thì đương nhiên có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ nói chung ở châu Á – Thái Bình Dương, và ở Việt Nam nói riêng.
“Việt Nam theo chính sách ngoại giao đa phương hóa đa dạng hóa và đi dây thăng bằng mềm – nghiêng về bên nào mạnh để tồn tại. Nếu Hoa Kỳ có dấu hiệu yếu đi thì Việt Nam sẽ dựa vào Trung Quốc nhiều hơn. Dựa vào Trung Quốc nhiều hơn là một điều bất hạnh cho dân tộc mình.”
Hôm 13/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và đề cử ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương (CIA) vào vị trí này.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên cho biết thêm:
“Liệu lập trường của ông Mike Pompeo như thế nào thì chúng ta chưa rõ. Nhưng qua lời ông tổng thống Trump nói là có lập trường giống như tổng thống hơn là ông Tillerson - đặt ra những lợi ích trước mắt hơn là lợi ích lâu dài. Liệu chính sách sắp tới có còn giữ được sự cứng rắn với Trung Quốc hay không? Nếu Hoa Kỳ tiếp tục mềm dịu với Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.”
Liệu chính sách sắp tới có còn giữ được sự cứng rắn với Trung Quốc hay không? Nếu Hoa Kỳ tiếp tục mềm dịu với Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.Tiến sĩ Lê Minh Nguyên
Tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào tháng 1 năm ngoái, ông Rex Tillerson đã gửi đi một tín hiệu cứng rắn với Bắc Kinh: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, việc xây đảo phải dừng lại, và thứ nhì là việc quý vị tiếp cận các đảo đó sẽ không được cho phép”.
Giáo sư Tương Lai nói rằng ông Tillerson, người có thâm niên trong ngành khai thác dầu khí, hiểu rõ cái giá trị và lợi ích trên Biển Đông. Với việc ông Tillerson ra đi, giáo sư Tương Lai nghĩ rằng Việt Nam cần tìm người bạn đồng minh, hiểu được vị thế của Việt Nam, để chống lại áp lực của Trung Quốc.
“Dù ngoại trưởng nào sắp nhậm chức tại Mỹ, Việt Nam vẫn phải có một thái độ tranh thủ, làm thế nào để có được thiện chí giúp đỡ, hỗ trợ cho Việt Nam trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.”
Cũng có ý kiến cho rằng việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Pompeo vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã dấy lên lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể đưa ra cách tiếp cận “diều hâu hơn” đối với Bắc Kinh, mối quan hệ vốn luôn sóng gió với các tranh chấp thương mại và an ninh.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Minh Nguyên, chính sách ngoại giao của Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Trump dường như chịu nhiều ảnh hưởng bởi những người cân thận với tổng thống, vì vậy Việt Nam nên tìm hiểu từng bước đi thích hợp. Trong trường hợp Washington vẫn theo chiến lược mềm với Bắc Kinh thì Hà Nội nên tăng cường quan hệ với Nhật Bản hay Ấn Độ.
“Trong hơn một năm qua, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ hình như hình thành từ những người chung quanh ông, trong gia đình ông. Việt Nam muốn định hình chính sách như thế nào thì không thể chỉ dựa vào ngoại trưởng hay bộ ngoại giao Hoa Kỳ vì nơi đó không có thực quyền.”
Trong hơn một năm qua, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ hình như hình thành từ những người chung quanh ông, trong gia đình ông. Việt Nam muốn định hình chính sách như thế nào thì không thể chỉ dựa vào ngoại trưởng hay bộ ngoại giao Hoa Kỳ vì nơi đó không có thực quyền.Tiến sĩ Lê Minh Nguyên
Hôm 14/3, ông Feng Zhang, một chuyên gia trong chính sách đối ngoại Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói với tờ Business Insider rằng "Trung Quốc không ưa ông Tillerson."
Ông Jia Qingguo, một chuyên gia về ngoại giao của Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, nói với Reuters rằng "Trung Quốc có thể nhận thấy kết quả tích cực từ sự thay đổi nhân sự này."
Trong khi đó, hôm 14/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng Trung Quốc hy vọng sự thay đổi nhân sự của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển các mối quan hệ và các lĩnh vực hợp tác quan trọng.
Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết ông dự định sẽ tại nhiệm đến hết năm 2018, dù có những đồn đoán cho rằng ông có thể sẽ sớm ra đi do mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Tổng thống Donald Trump.