Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23/2 nhận định các nước như Ấn Độ và Nam Phi, vốn chưa đứng về phía phương Tây để lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, có khả năng đang đi theo hướng xa rời Moscow nhưng quá trình đó sẽ không xảy ra ‘cái một’.
“Có những nước có mối quan hệ lâu dài, kéo dài hàng thập kỷ với Nga, với Liên Xô trước đây, đang thách thức để cắt đứt với Nga cái một. Việc đó không nhẹ như tắt mở công tắc điện, mà nặng như việc vận chuyển một hàng không mẫu hạm”, ông Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic, đánh dấu tròn một năm chiến sự.
Ấn Độ đã đối mặt với áp lực từ phương Tây là phải xa lánh Moscow sau khi Nga xâm lược Ukraine. New Delhi cho đến nay đã kháng cự lại áp lực đó, với lý do họ có quan hệ lâu dài với Nga và do nhu cầu kinh tế và dầu mỏ của họ.
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ kể từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, Washington trong những năm gần đây đã tìm cách lôi kéo New Delhi ra xa nhà cung cấp vũ khí truyền thống của họ. Ấn Độ đang rất muốn hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ chủ yếu có từ thời Liên Xô để tăng cường sức mạnh không quân sau những quan ngại về sự chậm trễ nguồn cung từ Nga do cuộc chiến Ukraine.
“Ấn Độ trong hàng chục năm đã xem Nga là trọng tâm cung cấp thiết bị quân sự và hệ thống phòng thủ cho họ, nhưng những gì chúng tôi đã thấy trong vài năm qua là khuynh hướng bớt lệ thuộc vào Nga và chuyển sang quan hệ đối tác với chúng tôi và các nước khác,” ông Blinken nói.
Ông Blinken cũng nói thêm rằng ông hiểu lý do khiến Nam Phi có mối quan hệ gần gũi với Nga trong khi thừa nhận hối tiếc về thái độ ‘thông cảm’ của Washington đối với chế độ ở Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc apartheid.
Đảng Nghị hội Dân tộc Phi, vốn đã cầm quyền ở Nam Phi kể từ khi chính quyền của thiểu số da trắng cáo chung vào năm 1994, có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ, quốc gia đào tạo và hỗ trợ các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong Chiến tranh Lạnh. Ông Nelson Mandela, anh hùng chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi, người qua đời hồi năm 2013 và là một biểu tượng toàn cầu, bị Washington nhìn với ánh mắt nghi ngờ trong Chiến tranh Lạnh và thậm chí còn bị đưa vào danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ trong thời gian đó.
“Liên Xô ủng hộ các lực lượng tự do ở Nam Phi, và tất nhiên thật không may, còn hơn cả không may, Mỹ đã quá thông cảm với chế độ apartheid, do đó lịch sử cũng không bị xóa bỏ, bạn biết đấy, sau một đêm, mà đó là cả một quá trình,” ông Blinken nói.
Diễn đàn