Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Kerry thăm vùng đồng bằng sông Cửu Long


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) và phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long Đăng Kiều Nhân trong chuyến đi thăm đồng bằng sông Cửu Long
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) và phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long Đăng Kiều Nhân trong chuyến đi thăm đồng bằng sông Cửu Long
Chiếc thuyền chở Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chạy dọc trên dòng nước đục ngầu của sông Cái Nước trong vùng đồng bằng của sông Cửu Long, dòng sông lớn thứ 12 của thế giới. Đây là nơi ông đã từng chỉ huy một tàu tuần tra của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên hồi tưởng quá khứ không phải là lý do duy nhất khiến Ngoại trưởng Mỹ trở lại thăm vùng đất xa xôi này. Ông đến nơi này để chuyển một thông điệp về mối đe dọa ngày càng gia tăng của tình trạng khí hậu biến đổi và tác động của nó đối với vùng đồng bằng và đối với hàng triệu người mà những nhu cầu của cuộc sống lương thực, thực phẩm, nước và giao thông vận tải phụ thuộc vào dòng sông này.

Đây là lần đầu tiên, ông Kerry trở lại vùng đồng bằng sông Cửu Long kể từ năm 1968, thời gian ông từng là sĩ quan hải quân trẻ phục vụ trong quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Việt nam. Ông đã được trao một Chiến Thương Bội Tinh, một Ngôi Sao Bạc, và một Ngôi Sao Đồng trong cuộc chiến này.

Nói chuyện với các học sinh sinh viên tụ tập trên bờ sông Cái Nước, ông nhận xét, “Thật là tuyệt hôm nay tôi có mặt nơi đây. Mấy mươi năm trước, chính trên dòng sông này, tôi là một trong nhiều người chứng kiến thời kỳ khó khăn trong lịch sử 2 nước chúng ta. Hôm nay cũng tại nơi này tôi đang chứng kiến đất nước của chúng ta đang tiến đến với nhau và bàn về tương lai. Đó là chiều hướng cần có, Trong khi cuộc hành trình chung của chúng ta tiếp diễn, chúng ta sẽ hướng mắt về tương lai chứ không phải là quá khứ.”

Ông ăn mặc giản dị với áo màu xanh da trời, quần kaki xanh và đeo kính râm. Các phụ tá và các giới chức đứng quanh ông nhưng phần lớn thời gian trên thuyền ông im lặng và trầm ngâm. Tuy nhiên có một lúc trong chuyến đi ông nhận xét, “Không có thay đổi nhiều lắm.” Mùi củi cháy quen thuộc từ những làng mạc khiến ông hồi tưởng thời gian ông có mặt trên dòng sông này.

Tại ấp Kiến Vàng nằm bên bờ sông, Ngoại trưởng Mỹ đã dừng lại để trò chuyện, thăm một cửa hàng nhỏ mua kẹo cho trẻ em. Một chú chó nhắc ông nhớ đến lúc còn trong quân đội ở Việt Nam ông cũng đã nuôi một con và đặt tên là “VC”.

Ông cũng hỏi thăm ông Đặng Kiều Nhân, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, về mực nước và những thay đổi lưu lượng nước có thể ảnh hưởng ra sao đối với người dân.

Mối quan tâm của ông không chỉ là những ảnh hưởng của khí hậu biến đổi đối với dòng sông mà còn về các kế hoạch của Trung Quốc xây thêm 4 đập nước dọc theo sông để sản xuất điện cho nền kinh tế đang phát triển của nước này, các dự án này, theo các chuyên gia về môi trường, sẽ tác động tai hại đến Campuchia và Việt Nam nằm trong vùng hạ lưu sông.

Ngoài ra Lào cũng đang đề xuất việc xây các nhà máy thủy điện trên sông, trong khi Campuchia có kế hoạch xây 2 đập nước trên sông.

Trong một bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ nói với các sinh viên về các triển khai này, và hứa cung cấp ngân khoản 17 triệu đôla cho một chương trình nhằm giải quyết tác động tiềm năng do tình trạng khí hậu biến đổi.

Ông nói: “Không một quốc gia nào có quyền tước đoạt của một nước khác nguồn sinh kế, hệ sinh thái và khả năng sống đến từ dòng sông. Dòng sông đó là tài sản toàn cầu, một của cải thuộc về khu vực, và vì vậy điều quan trọng là chúng ta tránh những thay đổi đáng kể đối với lưu lượng và trầm tích của dòng sông. Chúng ta đã thấy hoạt động đánh bắt cá đang đứng trước mối đe dọa về nguồn cá cũng như hậu quả của những thay đổi đang diễn ra.”

Ngoại trưởng Kerry nói ông sẽ nêu vấn đề này khi ông đến thăm Trung Quốc, “để chúng ta có thể cùng hành động một cách hiệu quả.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG