Ngoại trưởng Iran tuyên bố một thoả thuận hạt nhân giữa nước ông với 6 đại cường thế giới là “một cơ hội không nên bỏ lỡ”. Theo tường thuật của thông tín viên Magaret Besheer của đài VOA tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Javad Zarif đã tuyên bố như vậy hôm thứ tư khi ông diễn thuyết tại Đại học New York.
Vị ngoại trưởng của Iran đã bày tỏ sự lạc quan về thoả thuận khung đạt được tại Thuỵ Sĩ hồi đầu tháng này, theo đó Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự dỡ bỏ các biện pháp chế tài quốc tế. Ông nói với cử toạ ở Đại học New York là các bên sẽ làm việc “không ngưng nghỉ” để đạt được thoả thuận chung cuộc trước ngày 30 tháng 6.
"Đây là một thoả thuận tốt. Nó không phải là một thoả thuận toàn hảo. Nó không hoàn hảo đối với Mỹ. Nó không hoàn hảo đối với các đối tác Liên hiệp Âu châu của chúng tôi. Nhưng nó là thoả thuận tốt nhất mà chúng tôi có thể có. Nó là thoả thuận tốt nhất đối với mọi nước. Và giờ đây, theo quan điểm của tôi, đó là thoả thuận có tính chất cân bằng."
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt 4 vòng chế tài với những mục tiêu rõ rệt đối với Iran kể từ năm 2006 vì chương trình hạt nhân mà 6 cường quốc thế giới tin là có thể phục vụ cho các mục tiêu quân sự. Ông Zarif cho biết nếu đạt được thoả thuận chung cuộc trước ngày 30 tháng 6, ông dự kiến Hội đồng Bảo an sẽ thông qua một nghị quyết để tán đồng thoả thuận và khởi động tiến trình dỡ bỏ các biện pháp chế tài.
"Nghị quyết sẽ tán đồng thoả thuận, sẽ chấm dứt tất cả những nghị quyết trước đó -- kể cả mọi biện pháp chế tài, sẽ bắt đầu chấm dứt những chế tài của Liên hiệp Âu châu và ngưng áp dụng các chế tài của Mỹ."
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Mỹ đang ra sức chống lại thoả thuận này. Họ nói rằng Iran là một nước không thể tin tưởng vì mối đe dọa của nước này đối với Israel và những sự hỗ trợ trong quá khứ mà Tehran dành cho các nhóm khủng bố.
Mặc dầu vậy, Ngoại trưởng Zarif nói rằng luật pháp quốc tế buộc Hoa Kỳ tuân hành bất kỳ hiệp định nào mà chính phủ của Tổng thống Obama ký kết.
"Tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ đối mặt với mối rủi ro bị bị cô lập trên thế giới trong trường hợp có được một hiệp định mà họ lại quyết định phá vỡ hiệp định."
Hôm thứ ba, các lực lượng của hải quân Iran đã khám xét một chiếc tàu mang cờ Quần đảo Marshall khi tàu này đang di chuyển trong vùng Vịnh Ba Tư. Khi được hỏi về vụ này ngày hôm qua, Ngoại trưởng Zarif cho biết chiếc tàu đó có dính líu tới một vụ kiện tụng về vấn đề thương mại. Ông nói rằng vụ này không dính líu gì tới vấn đề chính trị hay an ninh.