Đường dẫn truy cập

Các ngoại trưởng G7 phản đối sự khiêu khích ở Biển Đông


Các vị ngoại trưởng khối G7 chụp hình lưu niệm tại Nhật Bản, ngày 10/4/2016.
Các vị ngoại trưởng khối G7 chụp hình lưu niệm tại Nhật Bản, ngày 10/4/2016.

Sau hội nghị ở Hiroshima, Nhật Bản, hôm 11/4, các ngoại trưởng của nhóm G7 tuyên bố họ phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, những nơi Trung Quốc đang lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và một số nước khác.

Tuyên bố của các ngoại trưởng G7, nhóm gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động cưỡng ép đe dọa hay khiêu khích đơn phương nào có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”.

Các ngoại trưởng cũng nói họ “quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình”.

Tại hai vùng biển nêu trên, trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng hung hăng và mạnh bạo hơn trong việc khẳng định chủ quyền. Đặc biệt là ở Biển Đông, Trung Quốc đã cải tạo một số bãi đá, bãi san hô để củng cố cho tuyên bố của mình, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines và một số nước khác cũng đòi chủ quyền về toàn phần hoặc một phần vùng biển.

Gián tiếp nhắc đến vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, nhóm G7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật hàng hải quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào của các tòa án và tòa trọng tài. Manila đã đề nghị Tòa trọng tài Quốc tế ở La Haye phân xử tranh chấp với Bắc Kinh. Dự kiến sẽ có phán quyết vào tháng 6.

Chưa có tin tức về phản ứng của Việt Nam và Trung Quốc về tuyên bố của các ngoại trưởng G7.

Hội nghị G7 vừa qua bao gồm các ngoại trưởng của Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ, ngoài ra còn có một đại diện của Liên hiệp châu Âu. Hôm 9/4, ngoại trưởng Trung Quốc nói hội nghị G7 chớ nên “thổi phồng” vấn đề ở hai vùng biển có tranh chấp.

Ông Malcom Davis, nhà phân tích kỳ cựu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, cho rằng: “G7 đang có những cử chỉ để làm rõ với Trung Quốc rằng nếu họ làm gì hơn nữa, sẽ có cái giá phải trả. Tuyên bố của G7 mang lại cho Mỹ một cơ sở vững mạnh hơn nhiều để Mỹ đi đến với các đồng minh chủ chốt, gồm cả Australia, và làm cho họ hành động nhịp nhàng cùng với Mỹ”.

Ông Davis cho rằng Mỹ muốn vận động sự ủng hộ chính trị quốc tế trước khi tòa La Haye ra phán quyết về vụ khiếu nại của Philippines đối với Trung Quốc. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đi đến một tuyên bố tương tự của Liên Hiệp Quốc sẽ bị chận đứng bởi Trung Quốc, là một hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Ông Davis nhận định: “Tuyên bố của G7 có lẽ là điều tốt nhất mà Mỹ có thể có được vào giai đoạn này”.

Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ, đồng thời là nơi lượng thương mại trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đôla đi qua bằng vận tải biển hàng năm.

Theo SCMP, Bloomberg

Các ngoại trưởng G7 phản đối sự khiêu khích ở Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:29 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG