Bài trước đã nói đến hạt ngọc nữ luật sư Lê Thị Công Nhân bị bạc đãi, dìm xuống bùn đen trong nhà tù ngặt nghèo nhất ở miền Tây Thanh Hoá, trở lại tự do với lời tuyên bố công khai chắc nịch: "Vụ án bỏ tù tôi là một sai lầm của chính quyền hiện tại! ", và "sau 3 năm trong tù tôi vẫn coi đó là sai lầm của họ vì tôi không có tội". Viên ngọc quý hiếm của dân tộc vẫn rực sáng sau 3 năm bị đày đoạ.
Ngô Bảo Châu cũng là một hòn ngọc quý hiếm nữa của đất nước. Bản thân anh và gia đình rất kín đáo về những thành tích gần đây của anh, ngành giáo dục và báo chí trong nước cũng lặng im, cho đến khi tuần báo TIME (Mỹ) số đầu năm 2010 đưa tin nhà toán học Việt Nam Ngô Bảo Châu đã có 1 trong 10 khám phá khoa học có giá trị nhất thế giới trong năm 2009.
Đề tài mang ý nghĩa khám phá của Ngô Bảo Châu mang tên:"Chứng minh bổ đề cơ bản Langlands ", được giải thích là "điểm mấu chốt trong chương trình Langlands" được đề ra tại Viện Đại học Princeton, Hoa Kỳ từ năm 1960 bởi nhà toán học Canada Robert Langlands. Đã gần nửa thế kỷ, hàng ngàn bộ óc toán học tiên tiến của thế giới tìm cách chứng minh "bổ đề cơ bản" (Fundamental Lemma) nói trên. Có thể nói đây là một cuộc thi đua sáng tạo đầy gay go thử thách mang tính chất khai phá ở tầm cao trí tuệ.
Nhà toán học Ngô Bảo Châu đã tìm ra lời giải đầy đủ "bổ đề cơ bản Langlands", được công nhận là một khám phá nổi bật có giá trị cao của nhân loại trong năm 2009.
Giáo sư Ngô Bảo Châu được mời trình bày khám phá khoa học của mình tại Đại hội các nhà toán học quốc tế sẽ họp tại Ấn Độ trong năm 2010 này. Báo TIME gọi đây là 1 trong 10 kỳ tích của trí tuệ. Báo khoa học Mỹ đánh giá phát minh của Ngô Bảo Châu có giá trị như quả "bom tấn", không phải theo nghĩa tàn phá, mà theo nghĩa tốt, tin vui làm giật mình, chấn động giới toán học thế giới.
Tài năng của nhà toán học Ngô Bảo Châu nảy nở và phát triển ra sao rất nên là một đề tài nghiên cứu xã hội. Báo chí trong nước, các nhà giáo dục học, viện sư phạm bộ giáo dục và đào tạo trong nước cho đến nay vẫn chưa làm rõ về kỳ tích khoa học này.
Đây lại là lĩnh vực lạc hậu tuyệt đối của nền nghiên cứu khoa học nước ta, vì trình độ nghiên cứu khoa học của một nước thường được đo bằng số khám phá phát minh đóng góp cho thế giới, bằng con số những bài nghiên cứu được đăng tải hàng năm trên các tạp chí khoa học nổi tiếng nhất của thế giới. Theo thống kê, số bài nghiên cứu được đăng tải của các nước Đông Nam Á, cho thấy Singapore, Thái lan, Malaysiai và Indonesia đều vượt rất xa Việt Nam; Việt Nam kém cả Philippines, chỉ hơn Lào và Campuchia.
Về mặt này, ở châu Âu, một nước"nhỏ"như Hungary - chỉ hơn 10 triệu dân - mà đã 10 lần được Giải Nobel, là niềm tự hào chính đáng của đất nước, của dân tộc họ.
Ngô Bảo Châu sinh ra trong gia đình trí thức. Cha anh là Giáo sư Tiến sĩ Ngô Huy Cẩn, ngành vật lý cơ học chất lỏng, mẹ anh là Phó giáo sư y học Trần Vân Hiền. Cái nôi gia đình ấy sớm truyền cho anh niềm say mê tìm tòi và phương pháp suy luận khoa học. Gia đình sớm chọn cho anh một môi trường giáo dục cởi mở, khai phóng, đó là Trường thực nghiệm Giảng võ, do giáo sư Hồ Ngọc Đại đề xướng, giáo sư Phạm Toàn tiếp sức, với nội dung "công nghiệp hoá giáo dục", các em học sinh vừa chơi vừa học, lấy học sinh làm trung tâm, cho các em cảm nhận đi học là niềm vui, là hạnh phúc, tự mình giáo dục mình, từ bỏ hẳn kiểu giáo dục giáo điều, nhồi sọ, bắt nhớ những điều vô bổ (như ông Lenin chết ngày nào, ông Stalin sinh ngày nào, ông Mác mất khi bao nhiêu tuổi, bác Hồ có bao nhiêu bí danh, ông Nguyễn Văn Linh là tổng bí thư thứ bao nhiêu... ), chú ý rèn nếp sống đẹp: tự làm đẹp mình từ trong ra ngoài, nói lời đẹp, giúp bạn, trọng người già, thương người tàn tật, nói là làm, thật lòng, không giả dối, không vứt rác bừa bãi, không nói tục, không khạc nhổ, nói to nơi công cộng, biết nhận lỗi, biết xin lỗi, tự tạo niềm vui và làm vui xung quanh. Nghĩa là trước hết làm con người tốt, tử tế, làm Người một cách hồn nhiên.
Đó là khi học thì tự tìm hiểu tận gốc, tự tìm ra các mối quan hệ, tự đặt nhiều câu hỏi vì sao? sao thế này mà không thế kia? từ đâu? những khả năng nào? phương pháp loại trừ, tại sao trong cái đúng có thể có điểm sai, trong cái sai có thể có phần đúng, đúng đến đâu, sai trong phạm vi nào, theo góc độ nào, từ chỗ đứng nào? thế nào là tuyệt đối, thế nào là tương đối? sự chuyển hóa giữa tuyệt đối và tương đối, trong từng điều kiện nào?
Nói tóm lại là học không dựa chỉ vào trí nhớ thụ động như màn ảnh, mà dựa chủ yếu vào động não, vận động thao tác của tư duy theo đúng phương pháp tự mình rèn luyện mình, qua hướng dẫn uốn nắn của giáo trình và thầy giáo.
Từ trường thực nghiệm Giảng Võ, Ngô Bảo Châu theo trường chuyên, lớp chọn, đi sâu vào toán học, để năm 16 tuổi giật giải Vàng Olympic Toán quốc tế 1988 ở Áo, năm 17 tuổi lại giật giải Vàng Olympic Toán quốc tế 1989 ở Ấn Ðộ. Năm 2004 nhà toán học Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Clay, như giải Nobel riêng cho giới toán học. Năm 2005 anh được phong Giáo sư khi 33 tuổi, cho đến nay vẫn là giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.
Giáo sư Ngô Bảo Châu hiện là giảng dạy tại Đại học Paris VI (Pháp), tại Đại học Princeton (Mỹ) và từ tháng 9-2010 sẽ là Giáo sư Đại học Chicago (Mỹ).
Vì sao chính quyền trong nước, báo chí truyền thông, bộ giáo dục và đào tạo không mặn mà, còn như ghẻ lạnh, với kỳ tích của một nhân tài quý hiếm như Ngô Bảo Châu?
Chẳng có gì là khó hiểu. Vì cho đến nay mô hình Trường thực nghiệm vẫn chỉ là trường thực nghiệm, không được công nhận có kết quả tích cực, không được nhân lên thành phổ biến, đại trà trong toàn quốc. Các trường chuyên, lớp chọn vẫn bị các nhà lãnh đạo bảo thủ đến hủ lậu chê bai là học lỏi, học lêch, thiếu toàn diện. Những trí thức đề xướng mô hình thực nghiệm là giáo sư Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn, Hoàng Tuỵ...vẫn không sao thuyết phục được Bộ Chính trị và các quan chức trong Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Ban Khoa giáo trung ương! Các vị này không chịu hiểu Ngô Bảo Châu không thể lập kỳ tích nếu như anh không được đào tạo từ trường Thực nghiệm Giảng Võ và các lớp chuyên toán.
Còn một lý do nữa là dưới con mắt công an trị của chế độ, Ngô Bảo Châu là một phần tử trí thức nguy hiểm, vì vị Giáo sư này đã công khai ủng hộ nhóm đề xướng Kiến nghị đòi từ bỏ ngay việc khai phá bôxít ở Tây nguyên gồm nhà văn hoá Nguyễn Huệ Chi, nhà sư phạm Phạm Toàn và nhà trí thức Nguyễn Thế Hùng, một kiến nghị đã có gần 5000 người hưởng ứng, với mạng Bauxite VN.info đã có gần 20 triệu lượt độc giả.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng tỏ rõ thái độ không đồng tình sâu sắc với chủ trương cấm phản biện công khai, vì cấm phản biện có nghĩa là ngăn cản khoa học và kỹ thuật phát triển, là giết chết từ trong trứng mọi khám phá và phát minh, là đi ngược với thời đại, thời đại lấy hiểu biết, kiến thức làm động lực chủ yếu của phát triển bền vững.
Đất nước ta không thiếu những nhân tài kiệt xuất, những hạt ngọc quý hiếm.
Hạt ngọc Lê Thị Công Nhân bị đày đoạ vùi dập xuống tận bùn đen trong nhà tù chỉ vì lòng dạ son sắt, dấn thân cho quyền sống tự do của đồng bào mình.
Hạt ngọc Ngô Bảo Châu, lập kỳ tích khám phá khoa học tầm cao cực kỳ hiếm quý, từ trí tuệ kiệt xuất của mình, khẩn thiết yêu cầu lãnh đạo đảng và nhà nước từ bỏ ngay 2 chủ trương tệ hại cho dân cho nước, ngừng ngay việc khai mỏ bôxít và khuyến khích việc công khai phản biện trên tinh thần xây dựng.
Những người lãnh đạo vẫn nói "quý trọng nhân tài", "phát triển bền vững", còn nói "mở rộng dân chủ", sao họ vẫn hắt hủi, vùi dập, khinh thường, lãng phí những hạt ngọc quý nhất của đất nước?
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1