Đường dẫn truy cập

Nghiên cứu: Người Hồi giáo ở Mỹ hiếm khi có hành vi khủng bố


Người Hồi giáo ở Mỹ dự lễ cầu nguyện tại một trung tâm cộng đồng ở Virginia
Người Hồi giáo ở Mỹ dự lễ cầu nguyện tại một trung tâm cộng đồng ở Virginia

Sau những vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 và gần đây là những nỗ lực của những nhóm chủ chiến ở các nước Hồi giáo cực đoan hóa và chiêu mộ những người Hồi giáo sinh sống ở phương Tây, đã có những lo sợ trong giới hữu trách Mỹ và công chúng về những vụ tấn công khủng bố quy mô lớn trên đất Mỹ.

Tuy nhiên những nỗi lo sợ này phần lớn là không có cơ sở, vì đại đa số người Hồi giáo ở Mỹ đã phớt lờ những lời kêu gọi đi theo con đường bạo lực, theo ông Charles Kurzman, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tam hợp về Khủng bố và An ninh Nội địa ở bang North Carolina.

"Chúng tôi không thấy có sự cực đoan hóa diễn ra trên quy mô lớn trong nhóm người Hồi giáo ở Mỹ," ông nói. "Đó là điều đáng lưu ý."

Trong nghiên cứu của Trung tâm Tam hợp, ông Kurzman, một nhà xã hội học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill chuyên nghiên cứu về những phong trào Hồi giáo, tính toán được tổng cộng có 250 người Hồi giáo ở Mỹ từng bị bắt giữ vì những hành vi hoặc thực hiện những hành vi có thể gọi là khủng bố kể từ năm 2001.

Đó là 250 người trong một con số ước tính là 3 triệu người Hồi giáo ở Mỹ.

Nghiên cứu của Kurzman nhận thấy rằng số người chết do âm mưu của những người này là 50 người - trong một khoảng thời gian mà trong đó 200.000 người đã bị sát hại ở Mỹ.

Dù khó đưa ra so sánh, những nghiên cứu khác cho thấy bạo lực cánh hữu đã cướp đi mạng sống của nhiều người ở Mỹ hơn là hành vi khủng bố được thực hiện nhân danh Hồi giáo.

Tất nhiên đã xảy ra những vụ tấn công nghiêm trọng. Vụ nổ súng năm 2009 tại căn cứ quân sự Fort Hood ở bang Texas và vụ đánh bom cuộc đua Marathon ở Boston năm 2013 được thực hiện bởi những công dân Mỹ theo Hồi giáo, những người tuyên bố báo thù hành động quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Và cũng có những nỗ lực bất thành mà suýt nữa đã có thể gây tổn thất nhân mạng to lớn. Nhưng nghiên cứu cho thấy những nỗ lực này "hiếm và kém phức tạp." Năm 2010, một chiếc xe hơi SUV chứa những bình khí propane và xăng dầu cùng với pháo hoa, đậu ở Quảng trường Times của thành phố New York, được kích nổ nhưng không phát nổ. Người lái xe, Faisal Shahzad, đã được đào tạo chế bom ở khu vực Waziristan thuộc Pakistan.

Nhà chức trách nói sở dĩ những vụ tấn công quy mô lớn được ngăn chặn là bởi vì hệ thống an ninh rộng lớn đã được thiết lập trên toàn quốc để ứng phó sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài vào năm 2001.

Dù vậy, những phát hiện của ông Kurzman, cho thấy một sự "bất tương xứng" giữa những vấn đề an toàn công cộng khác như tai nạn xe cộ hay việc súng ống xuất hiện nhan nhản, và sự chú ý nhằm vào khả năng xảy ra khủng bố trong nước.

"Chúng ta đang mắc kẹt trong lối tư duy an ninh này, rằng chúng ta có chính sách quyết không dung thứ loại bạo lực này trong khi lại châm chước nhiều hơn đối với những mối đe dọa khác," ông nói.

Ông Kurzman nói con số nghi phạm khủng bố người Hồi giáo ở Mỹ thực ra đang giảm đi, và trong mấy năm gần đây gần như không có âm mưu nào nhắm vào nước Mỹ. Hầu hết những người bị bắt gần đây vì tình nghi khủng bố đều đang tìm cách đi tới Syria hay Yemen để gia nhập những nhóm mà chính phủ Mỹ xem là những tổ chức khủng bố.

Ông David Schanzer, một chuyên gia ở Đại học Duke về vấn đề khủng bố trong nước và là giám đốc Trung tâm Tam hợp, nói rằng trong khi chính quyền liên bang dành "một phần công sức nhiều bất cân xứng" lo nghĩ về khủng bố trong nước, những sở cảnh sát địa phương trên cả nước có những thứ khác cần lưu tâm.

"Họ nhận thấy rất rõ rằng những thứ là mối đe dọa đến an ninh công cộng trong cộng đồng của họ là những thứ như ma túy, băng đảng, bạo lực trong nhà," ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG