Trong lúc Nghị viện Hồng Kông bắt đầu cuộc tranh luận về một kế hoạch cải cách bầu cử có nhiều tranh cãi, giới hữu trách thành phố đã tăng cường sự hiện diện của cảnh sát ở khắp nơi giữa lúc có những vụ xuống đường của những người thân Bắc Kinh và những người biểu tình đòi dân chủ. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.
Cuộc tranh luận về quyền phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông bắt đầu ngày hôm nay tại một phiên họp của Nghị viện tập trung về kế hoạch cải cách bầu cử.
Những người tán thành và những người chống đối những sự thay đổi đã được đề nghị này hôm nay tụ tập bên ngoài các toà nhà của chính quyền thành phố. Đối với nhiều người, cuộc tranh luận này có liên hệ tới tương lai kinh tế và chính trị của Hồng Kông.
Cuộc biểu quyết dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này là cao điểm của những cuộc phản kháng kéo dài nhiều tháng của hơn 100.000 người biểu tình đòi Hồng Kông tổ chức một cuộc bầu cử tự do để chọn ra Trưởng quan Hành chánh, là người đứng đầu chính quyền thành phố.
Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch theo đó cử tri chỉ được chọn lựa nhà lãnh đạo của họ trong số các ứng cử viên được chấp thuận bởi một uỷ ban gồm những người trung thành với Bắc Kinh. Nếu kế hoạch này không được các nhà lập pháp tán thành, viên trưởng quan hành chánh sẽ tiếp tục được lực chọn bởi một uỷ ban gồm 1.200 người, phần lớn là những người thân Bắc Kinh.
Theo dự liệu, các nhà lập pháp sẽ biểu quyết kế hoạch cải cách vào ngày thứ 6 và các chỉ dấu hiện giờ cho thấy kế hoạch này không có đủ phiếu để được thông qua.
Bà Regina Ip, một thành viên nội các của chính quyền thành phố và là người lãnh đạo Đảng Tân Dân có lập trường bảo thủ và thân Bắc Kinh, ủng hộ kế hoạch này.
"Tôi nghĩ rằng đây là một kế hoạch tốt bởi vì quyền đầu phiếu của người dân Hồng Kông sẽ gia tăng một cách đáng kể. Từ 1.200 người có quyền bỏ phiếu chọn trưởng quan hành chánh trở thành 5 triệu cử tri hợp lệ, đó là một bước tiến lớn của quyền đầu phiếu."
Đối với những người chống đối, vấn đề then chốt là xác định người nào hội đủ điều kiện để ra tranh cử. Họ nói rằng kế hoạch cải cách này không mở cửa cho những ứng cử viên có những quan điểm khác với quan điểm của những người được Bắc Kinh ưa thích.
Bất chấp những sự chỉ trích đó, bà Regina Ip nói rằng đảng của bà không hề chống lại dân chủ và bà tin rằng kế hoạch này sẽ làm cho Hồng Kông vững mạnh hơn.
"Có những phần khác của cơ sở hạ tầng dân chủ cần được xây dựng, nhưng nếu vị trưởng quan hành chánh tương lai là do nhiều triệu người bầu ra, thì ông ấy hay bà ấy chắc chắn sẽ sẵn sàng hơn để thỏa mãn những đòi hỏi của người dân, có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, và sự ủy thác của công chúng sẽ có ích cho việc tăng cường công tác quản trị. Hồng Kông cần gấp rút tái cơ cấu nền kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách."
Có khoảng 27 người nhà lập pháp vẫn còn chống đối, và kế hoạch này cần có sự thay đổi lập trường của 4 nhà lập pháp mới có đủ túc số 2 phần 3 để được thông qua.
Để chuẩn bị cho cuộc tranh luận và cuộc biểu quyết trong tuần này, chính quyền Hồng Kông đã phong toả nhiều con đường dẫn tới các văn phòng chính phủ và điều động khoảng 5.000 nhân viên cảnh sát.