Đường dẫn truy cập

Nghị định mới về tôn giáo của Việt Nam gây quan ngại


Nhà thờ Sapa ở Việt Nam
Nhà thờ Sapa ở Việt Nam
Tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn thế giới (CSW) có trụ sở tại Anh ngày 2/1 ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tính chất mơ hồ và giới hạn của Nghị định 92/2012 của Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm nay liên quan đến quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Nghị định này được Hà Nội ban hành tháng 11 năm ngoái để thay thế cho Nghị định 22 hồi năm 2005, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Tổ chức CSW nói Nghị định mới đề ra các điều kiện đăng ký hoạt động tín ngưỡng bao gồm nhiều giới hạn về sinh hoạt tôn giáo đi ngược lại với các cam kết của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị công dân mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là điều khoản 18 liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo.

Một viên chức phụ trách cổ võ tự do tôn giáo khu vực Đông Á thuộc CSW phát biểu với VOA Việt ngữ:

"Tổ chức chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn thế giới cùng với nhiều tổ chức khác lâu nay kêu gọi Việt Nam sửa đổi tu chính Nghị định 92. Chúng tôi thừa nhận cần phải có nghị định hướng dẫn cụ thể pháp lệnh tôn giáo của Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng Nghị định này nhằm để kiểm soát các tổ chức tôn giáo và sinh hoạt của họ thay vì là bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Hành động kiểm soát sinh hoạt tôn giáo này xâm phạm nghiêm trọng quyền căn bản của con người."

Tổ chức chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn thế giới cùng với nhiều tổ chức khác kêu gọi Việt Nam sửa đổi tu chính Nghị định 92...Hành động kiểm soát sinh hoạt tôn giáo này xâm phạm nghiêm trọng quyền căn bản của con người...
Tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn thế giới CSW.
Theo giới hoạt động bảo vệ nhân quyền, Nghị định 92 của Việt Nam là một bước thụt lùi so với Nghị định 22 trước đó 7 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết tới và cũng là một tín đồ Tin Lành đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, nhận xét rằng những qui định về việc đăng ký hoạt động và sinh hoạt tôn giáo trong Nghị định 92 là trái với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được qui định tại điều 70 Hiến pháp và không phù hợp với thực tiễn của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Ông viện dẫn một điều khoản trong Nghị định yêu cầu tổ chức tôn giáo phải sinh hoạt tôn giáo ổn định trên 20 năm kể từ ngày được chính quyền xã chấp thuận sinh hoạt tôn giáo thì mới được đăng ký hoạt động tôn giáo.

Tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn thế giới kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo đảm rằng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được bảo vệ đầy đủ bằng luật pháp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG