Đường dẫn truy cập

Ngày Tị nạn Thế giới với Tác giả “Người Di tản buồn”


Nhóm người Việt trong trại tị nạn ở Indonesia cùng các thiện nguyện viên. (Ảnh: Facebook Shira Sebban)
Nhóm người Việt trong trại tị nạn ở Indonesia cùng các thiện nguyện viên. (Ảnh: Facebook Shira Sebban)

Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 6 hàng năm làm Ngày Tị nạn Thế giới-World Refugee Day, để nâng cao nhận thức về tình trạng của những người tị nạn trên khắp thế giới. Nghệ sĩ Nam Lộc, tác giả của hai nhạc phẩm tiêu biểu nói lên tâm trạng của người tị nạn Việt Nam sau năm 1975, “Saigon ơi Vĩnh Biệt”, và “Người Di tản buồn”, chia sẻ tâm trạng của ông trong những ngày đầu tị nạn, và bàn về ý nghĩa của ngày Tị nạn Thế giới 2019.

please wait

No media source currently available

0:00 0:05:30 0:00
Tải xuống

Nam Lộc là một tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, là một nhà hoạt động xã hội, MC của Trung tâm Asia, ông từng là Giám Đốc của Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ - USCC Los Angeles. Và nhắc đến tên ông, nhiều người liên tưởng ngay tới “người di tản buồn”, một trong những ca khúc diễn tả được tâm trạng của những người Việt tị nạn đã bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975. Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, Nam Lộc chia sẻ:

...có lẽ cái nỗi khổ đau nhất của một con người phải bỏ đất nước ra đi, bỏ gia đình lại và ở trong hoàn cảnh lạc loài nơi xứ lạ quê người. Nó gần như là một người đã mất đi tất cả, mất đi cả hy vọng, mất cả niềm tin, mất cả sự nghiệp.”
Nam Lộc, nhạc sĩ sáng tác 'Người Di Tản Buồn'

“Tôi cũng là một người tị nạn, thành ra khi đặt bút viết những câu hát đầu tiên, tôi vẫn cho đó là những lời an ủi mình mỗi đêm trong thời gian bỏ nước ra đi và ở trong trại tị nạn.”

Ông nói tâm trạng của ông cũng giống như tâm trạng của bao nhiêu người tị nạn khác:

“Khoảnh khắc đó, thời gian đó, cái tâm tư đó, cái hoàn cảnh đó có lẽ là cái nỗi khổ đau nhất của một con người đã phải bỏ đất nước mình ra đi, bỏ gia đình mình lại và ở trong hoàn cảnh lạc loài nơi xứ lạ quê người. Nó gần như là một người đã mất đi tất cả, mất đi cả hy vọng, mất cả niềm tin, mất cả sự nghiệp...”

Năm nay, Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi phải tăng gấp đôi tình liên đới và đoàn kết sau khi phúc trình về Xu hướng Toàn cầu cho thấy số người phải dời cư, bỏ lại nhà cửa và quê hương đi tị nạn, đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua.

Trang mạng của UNHCR trích dẫn phúc trình về Xu hướng Toàn cầu, cho biết 70,8 triệu người đã bị buộc phải dời cư trong năm 2018, con số cao nhất trong lịch sử gần 70 năm của cơ quan tị nạn LHQ.

Theo Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, chiến tranh, bạo lực, và đàn áp ở khắp nơi đã đẩy một con số kỷ lục người dân thường phải bỏ xứ ra đi. Làn sóng tị nạn diễn ra trong bối cảnh sự nổi dậy của các phong trào dân túy, đã tạo điều kiện cho những tình cảm kỳ thị, làm dấy lên những nghi ngờ về hoàn cảnh người tị nạn.

Trong các điều kiện đó, ông Nam Lộc cho rằng người tị nạn ngày nay còn khổ hơn người tị nạn Việt Nam cách đây mấy thập niên.

“Những người tị nạn ngày nay trên thế giới có lẽ còn bất hạnh hơn những người tị nạn người Việt chúng ta. Người Việt chúng ta đã khổ rồi, đã trải qua biết bao nhiêu là gian truân tức tưởi, thậm chí phải hy sinh trên biển cả, trong rừng già, hy sinh cuộc đời trong những trại tị nạn, ấy thế mà so với những người tị nạn hiện nay ở Phi châu, ở Trung Đông vv… nó còn thê thảm hơn gấp vạn lần.”

Ngày Tị nạn Thế giới, theo ông, cũng là một dịp để cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là những người từng là người tị nạn, ôn lại kỷ niệm, và tỏ lòng biết ơn các quốc gia đã cưu mang và cho chúng ta một cơ hội thứ nhì để làm lại cuộc đời ở các xứ sở tự do. Ông nói “cách trả ơn hay nhất là giúp những người bất hạnh hơn mình”, những người tị nạn từ nhiều nước trên thế giới, và gần gũi hơn, những người Việt Nam còn kẹt lại ở Đông Nam Á.

“Hiện nay ở bên Thái Lan, chúng ta có đến hơn 1000 đồng bào tị nạn. Có người bị kẹt cả hai, ba chục năm nay, có những tù nhân lương tâm, nạn nhân Formosa, những người đấu tranh cho tự do tôn giáo… Có bao nhiêu người biết họ đang sống trong âm thầm tủi nhục khổ đau đến đâu?”
Nam Lộc

Vẫn theo Nam Lộc thì người Việt có một đức tính đáng quý là nhớ ơn trọng nghĩa, nhiều người mong muốn được trả ơn đất nước và người dân các nước tự do đã đưa tay đón nhận mình trong những ngày đen tối nhất.

Các cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đã tìm cách trả ơn mỗi khi có dịp. Nghệ sĩ Nam Lộc kể lại một trường hợp nổi bật khi ông được mời sang Úc để tiếp tay với cộng đồng người Việt Úc Châu tổ chức ngày “Thank you Australia”.

“Trong một buổi tối, người Việt chúng ta đã quyên góp trên nửa triệu đôla để tặng cho một bệnh viện nhi đồng (bệnh viện Royal Children Hospital ở Melbourne) để trả ơn nước Úc. Ở các quốc gia khác cũng có những hành động tương tự.”

Ông bày tỏ tự hào về một số gương sáng trong cộng đồng như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Tướng Lương Xuân Việt, Tiến sĩ Đinh Việt, tác giả của Đạo luật Patriot Act, và nhiều người khác là những người đã phần nào trả được món nợ tinh thần đối với nước Mỹ, nhưng ông nhấn mạnh rằng mỗi người tị nạn, đều có những đóng góp riêng. Làm ăn hay đi làm đóng thuế, nuôi dạy con cái thành người hữu dụng, đóng góp cho xã hội và quê hương thứ hai, cũng là một cách trả ơn.

“Cộng đồng người tị nạn nói chung, và cộng đồng người Việt chúng ta nói riêng cũng đang trả ơn nước Mỹ, trả ơn các quốc gia đã đón nhận họ, và tôi tin rằng người Việt chúng ta là một trong những cộng đồng có những đóng góp tích cực nhất.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG