Đường dẫn truy cập

Nga yêu cầu Mỹ chấm dứt các chương trình của USAID ở Nga


Tổng thống Vladimir Putin đã thi hành một loạt các luật lệ hạn chế hoạt động của các cơ quan quốc tế, kể từ khi ông nắm quyền trở lại hồi tháng Năm. Ông Putin và báo chí do nhà nước quản lý còn gay gắt chỉ trích Hoa Kỳ. Thông tín viên đài VOA James Brooke tại Moscow tường thuật về kế hoạch của Điện Kremli kêu gọi chấm dứt các chương trình của Cơ Quan Viện trợ và Phát triển Quốc Tế của Hoa Kỳ, USAID, tại Nga.

Bộ Ngoại Giao Nga đã yêu cầu chính phủ của Tổng Thống Obama chấm dứt tất cả các chương trình USAID tại Nga, và triệu hồi 13 nhà ngoại giao Hoa Kỳ làm việc ở Nga cho cơ quan USAID.

Tại Washington, hôm thứ Ba, nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland đã ra một tuyên bố nói rằng sự hiện diện của USAID tại Nga sẽ chấm dứt, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ “trông đợi sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức phi chính phủ của Nga.”

Hiện chưa rõ khi nào thì các nhà ngoại giao Mỹ ở đây sẽ phải rời khỏi nước Nga. Một giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ tại Moscow nói rằng chính phủ Obama sẽ không thay đổi chính sách về nhân quyền đối với Nga. Ông nói rằng Washington sẽ “tìm kiếm những phương cách mới để đạt được các mục tiêu đó.”

Ngoài các nhà ngoại giao Hoa Kỳ. USAID còn thuê khoảng 60 người Nga, nhiều người đã làm việc với cơ quan này tới 20 năm – kể từ khi bắt đầu chương trình USAID tại Nga.

Trong những năm 1990, chương trình này chú trọng nhiều vào việc giúp đỡ Nga chuyển hướng từ một nền kinh tế tập trung do nhà nước kiểm soát sang một hệ thống thị trường tự do.

Năm 1995, USAID tài trợ tổng cộng khoảng 257 triệu đô la so với khoảng 50 triệu đô la trong năm nay.

Trong thập niên trước, số tiền viện trợ ngày càng gia tăng đã được cung cấp cho các tổ chức nhân quyền và củng cố xã hội dân sự Nga. USAID cung cấp phần lớn tiền bạc cho Golos, tổ chức kiểm phiếu độc lập duy nhất tại Nga.

Memorial, một trong những tổ chức nhân quyền hàng đầu của Nga, nhận được phần lớn ngân khoản tài trợ của họ từ USAID.

Tổng thống Putin nói rằng Hoa Kỳ tài trợ cho các tổ chức có ảnh hưởng trên chính trường Nga. Hồi tháng Bảy, Điện Kremli đã đối phó với một đợt biểu tình trên các đường phố Nga bằng cách thông qua một đạo luật, buộc các tổ chức nhận viện trợ của nước ngoài phải tự khai là “nhân viên nước ngoài.”

Các chuyên gia nói rằng Washington có thể chọn tiếp tục tài trợ, nhưng không được có mặt ở nước Nga để giám sát tại chỗ. Và hôm thứ Ba, một giới chức chính phủ Hoa Kỳ tại Nga nói rằng, “không có lệnh cấm nào đối với các tổ chức Nga nhận tiền từ các nguồn cung cấp nước ngoài.”

Khoảng 18 triệu đô la mỗi năm được dành để cung cấp cho các tổ chức Nga để đấu tranh chống các bệnh như lao phổi và bệnh AIDS.

Lần mới nhất Nga chấm dứt một chương trình viện trợ trong nước là vào năm 2002, khi Điện Kremli đình chỉ chương trình Đoàn Hòa Bình, Peace Corps, tại Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG