Đường dẫn truy cập

Nga: Vắc-xin Sputnik V được Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp


Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đăng ký mua vắc-xin Sputnik ngay sau khi Nga công bố phê chuẩn sản xuất loại vắc-xin này.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đăng ký mua vắc-xin Sputnik ngay sau khi Nga công bố phê chuẩn sản xuất loại vắc-xin này.

Hãng thông tấn Nga Interfax hôm 26/2 đưa tin rằng vắc-xin phòng ngừa COVID-19 Sputnik V của họ đã được Việt Nam phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, trong khi Bộ Y tế Việt Nam mới chỉ cho biết đã nhận được đề xuất từ một Hội đồng tư vấn y tế để phê duyệt loại vắc-xin này cùng với vắc-xin Moderna của Mỹ đề sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Việt Nam có kế hoạch mua 150 triệu liều vắc-xin cho chương trình tiêm chủng COVID-19 trong nước, bao gồm vắc-xin mua trực tiếp và vắc-xin nhận được thông qua chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX, theo thông tin được đăng trên trang web của chính phủ. Việc mua và sử dụng vắc-xin trong nước phải có sự chấp thuận của Bộ Y tế. Cuối tháng trước, Việt Nam đã phê duyệt vắc-xin AstraZeneca của Anh.

Lô vắc-xin đầu tiên với 117.000 liều vắc-xin AstraZeneca đã được chuyển tới Việt Nam hôm 24/2, trước khi chương trình tiêm chủng lớn nhất của Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng tới.

Hôm 26/2, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long lên tiếng xác nhận về kế hoạch nhập khẩu vắc-xin của Nga.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Y tế và các doanh nghiệp đang đàm phán để mua thêm vắc-xin, bao gồm cả Sputnik V và vắc-xin Pfizer-BioNTech của Mỹ.

“Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc-xin Covid-19 đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, phù hợp và bảo quản như theo điều kiện của Việt Nam”, bà Hằng nói trong một cuộc họp báo hôm 25/2.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 của Việt Nam, kế hoạch nhập khẩu vắc-xin dự kiến sẽ được chia thành 7 đợt.

Đợt đầu tiên dành ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu tại các cơ sở y tế. Đợt 2 với 1,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, bao gồm 1,2 triệu liều từ chương trình COVAX và 363.000 liều mua trực tiếp, sẽ nhập về vào quý II và dành ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, nhân viên ngoại giao, hải quan, nhân viên xuất nhập cảnh, quân đội.

Đợt 3 với 8,2 triệu liều AstraZeneca sẽ được tiêm cho quân đội, công an, giáo viên và người già trên 80 tuổi. Đợt 4 với 10,9 triệu liều, trong đó có 3,6 triệu liều từ COVAX và 7,2 triệu liều mua từ AstraZeneca, sẽ về trong quý III và được tiêm cho người già trên 80 tuổi, nhóm cung ứng dịch vụ thiết yếu và người mắc bệnh mạn tính.

Đợt 5 với khoảng 14,4 triệu liều mua từ AstraZeneca sẽ dành cho người mắc bệnh mạn tính. Đợt 6 với khoảng 25,2 triệu liều vaccine do COVAX cung ứng sẽ tiếp tục dành tiêm cho người mắc bệnh mạn và người già từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi.

Đợt 7 với khoảng 90,5 triệu liều vắc-xin vừa mua từ nước ngoài và vừa sản xuất trong nước sẽ được tiêm cho những thành phần còn lại.

Việt Nam đã ghi nhận 827 trường hợp nhiễm COVID-19 mới kể từ khi đợt bùng phát mới nhất bắt đầu vào tháng trước, chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 2.421 ca nhiễm kể từ đầu dịch.

VOA Express

XS
SM
MD
LG