Phe ly khai kiểm soát hầu hết khu vực Lugansk
Một lãnh đạo ly khai ở miền đông Ukraine hôm 13/4 nói rằng có tới 90% lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân.
Phát biểu trước báo giới trước một nhà máy điện gần thị trấn Shchastia, vốn từng nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv, lãnh đạo nhà nước ly khai, Leonid Pasechnik, nói: “Đến 80-90% lãnh thổ LNR hiện đã được giải phóng khỏi các nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraine”.
Ông Pasechnik nói rằng một số thị trấn bao gồm Severodonetsk và Kreminna vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Kyiv.
Ông nói thêm rằng sau khi quân ly khai ‘giải phóng’ phần lãnh thổ còn lại, họ sẽ quyết định có nên hỗ trợ quân đội Nga hay ‘những người anh em của chúng tôi’, tức Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.
Pasechnik nhắc lại rằng vùng lãnh thổ ly khai này muốn sáp nhập vào Nga.
(AFP)
Zelenskyy: Nếu không hành động mạnh hơn, Putin ‘sẽ chiếm toàn bộ Đông Âu’
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 13/4 kêu gọi châu Âu hành động nhiều hơn chống lại Nga, cảnh báo rằng “chúng ta hoặc là ngăn chặn Nga hoặc là mất toàn bộ Đông Âu’.
“Nếu châu Âu lãng phí thời gian, Nga sẽ sử dụng thời gian đó để mở rộng chiến sự sang các nước khác,” ông phát biểu trước Quốc hội Estonia.
(AFP)
Marine Le Pen kêu gọi NATO gần gũi hơn với Nga
Bà Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống cực hữu của Pháp, hôm 13/4 cảnh báo Paris không nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine, và kêu gọi nối lại quan hệ giữa NATO và Nga một khi cuộc chiến của Moscow ở Ukraine kết thúc.
Le Pen, vốn là người lớn tiếng theo chủ nghĩa dân tộc, có mối quan hệ lâu dài với Nga và đồng thời cũng là người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, xác nhận rằng nếu bà lật đổ được Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng hai cuộc bầu vào ngày 24/4, bà sẽ rút Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của NATO và rút mọi sự hỗ trợ của Pháp cho toàn bộ Liên minh châu Âu.
Các đối tác châu Âu của Pháp lo rằng một nếu bà Le Pen lên làm tổng thống, điều này có thể làm suy yếu sự đoàn kết của phương Tây vào lúc Mỹ và châu Âu tìm cách hỗ trợ Ukraine và chấm dứt cuộc chiến của Nga
Khi được hỏi về viện trợ quân sự cho Ukraine, bà Le Pen cho biết bà sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc phòng và tình báo.
“Nhưng tôi e dè hơn về cung cấp vũ khí trực tiếp. Tại sao? Vì... ranh giới rất mong manh giữa viện trợ và trở thành một nước cũng hung hăng như vậy,” nhà lãnh đạo cực hữu nói, dẫn ra những lo ngại về ‘sự leo thang của cuộc xung đột này có thể đưa toàn bộ các quốc gia vào cam kết quân sự’.
Và bất chấp những hành động tàn bạo mà quân đội Nga đã gây ra ở Ukraine, bà Le Pen nói NATO nên xây dựng ‘mối quan hệ chiến lược’ với Nga một khi chiến tranh kết thúc. Mối quan hệ như vậy sẽ ‘vì lợi ích của Pháp và châu Âu và ngay cả cho Hoa Kỳ’, bà nói, để ngăn Nga liên minh mạnh mẽ hơn với cường quốc Trung Quốc.
Bà không trực tiếp đề cập đến những nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở Ukraine.
(AP)