Việc Ukraine bắt giữ đồng minh Putin làm lá bài đàm phán khiến Nga tức giận
Việc Ukraine bắt giữ nhà tài phiệt Viktor Medvedchuk, cựu lãnh đạo đảng đối lập thân Nga và là một cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã gây ra sự tức giận ở Moscow.
Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là cựu tổng thống, đã đưa ra những lời đe dọa nhằm vào chính quyền Ukraine trên Telegram, gọi họ là ‘bọn quái đản’ và cảnh báo họ ‘cẩn thận nhìn xung quanh và khóa chặt cửa vào ban đêm’.
Đáp lại, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của ông Zelenskyy, nói ông Medvedev ‘chả là gì cả’, và nói rằng những lời lẽ của ông Medvedev là ‘bẩn thỉu và ngu ngốc như đó giờ’.
“Mối quan hệ thân thiết giữa Putin và Medvedchuk biến ông ta thành một chiến lợi phẩm có giá trị cho Kyiv, và Kyiv đã châm ngòi cho sự giận dữ và mong muốn trả thù nguy hiểm ở Điện Kremlin,” ông Volodymyr Fesenko, phân tích gia tại Trung tâm Penta, nói với AP hôm 13/4. “Số phận của Medvedchuk chắc chắn sẽ trở thành một chủ đề để mặc cả và là một trong những điểm trong các thỏa thuận bí mật giữa Kyiv và Moscow”.
Tổng thống Zelenskyy đã công bố một bức ảnh cho thấy Medvedchuk ngồi bị còng tay và mặc quân phục ngụy trang có đính cờ Ukraine. Ông trông có vẻ mệt mỏi nhưng rõ ràng không hề hấn gì.
Medvedchuk là người đứng đầu hội đồng chính trị của Đảng Đối lập thân Nga của Ukraine có tên là Opposition Platform — For Life, đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Ukraine. Ông là một trong 44 đại diện của đảng này Quốc hội Ukraine gồm 450 ghế. Hoạt động của đảng này đã bị đình chỉ trong suốt thời gian chiến tranh theo sáng kiến của ông Zelenskyy.
“Cuộc chiến đã tự động biến Medvedchuk thành đồng phạm của Nga, vì ông ta đã đích thân tư vấn cho Ông Putin về các vấn đề Ukraine và có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến nhiều quyết định của Điện Kremlin,” ông Fesenko nói. “Zelenskyy không còn cần phải cẩn thận, và bằng cách bắt giữ Medvedchuk, ông ấy muốn thể hiện rằng ông ấy không sợ Điện Kremlin và sẵn sàng mặc cả với những quân bài khác nhau trên bàn đàm phán”.
Ivan Bakanov, lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia Ukraine, hôm 13/4 cho biết cơ quan an ninh Nga, FSB, đã lên kế hoạch sơ tán ông Medvedchuk bằng cách cải trang thành một quân nhân Ukraine, đến Moscow qua đường lãnh thổ tranh chấp Transnistria ở Moldova, nơi Nga có binh lính đóng quân.
Con gái út của ông Medvedchuk được ông Vladimir Putin nhận làm cha đỡ đầu.
(AP)
Pháp đóng băng 23,7 tỷ euro tài sản Nga, cấp cho Ukraine hơn 100 triệu euro thiết bị quân sự
Pháp cho đến nay đã đóng băng 23,7 tỷ euro tài sản của Nga trên lãnh thổ của mình, bao gồm bất động sản với giá trị 573,6 triệu đô la, theo thông tin từ Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp.
Danh sách của Bộ này đưa ra cho thấy trong đó có 22,8 tỷ euro tài khoản của Ngân hàng Trung ương Nga tại Pháp đã bị đóng băng.
Pháp cũng đóng băng bốn tàu chở hàng, bốn du thuyền trị giá hơn 125,2 triệu euro; sáu máy bay trực thăng trị giá hơn 60 triệu euro; và 7 triệu euro các tác phẩm nghệ thuật.
Chính quyền Pháp đã tịch thu 33 bất động sản và thêm một chục tài sản nữa sẽ sớm được thêm vào danh sách, với tổng giá trị ước tính lên đến 24 tỷ euro.
Tỷ phú người Nga Roman Abramovich cũng nằm trong danh sách các nhà tài phiệt bị Pháp nhắm đến với hàng chục tài sản ở Pháp bao gồm Lâu đài Croë ở Antibes, hay Villa Gouverneur ở Saint-Barthélemy.
Hơn 100 triệu euro thiết bị quân sự đã được Pháp chuyển giao cho Ukraine, bà Florence Parly, Bộ trưởng Bộ Quân lực Pháp, cho biết hôm 13/4 sau khi hội đàm với người đồng cấp Ukraine Oleksiy Reznikov.
“Tôi đã thông báo với người tương nhiệm Ukraine của mình rằng Pháp sẽ cung cấp thêm năng lực quân sự cho Ukraine, bên cạnh hàng trăm triệu euro tiền quyên góp vật chất đã được chuyển giao,” bà Parly bộ trưởng viết trên Twitter.
Trong một tuyên bố của Bộ Quân lực, bà Florence Parly cho biết các lô hàng Pháp viện trợ bao gồm ‘các phương tiện phòng vệ vệ, thiết bị cơ điện tử, vũ khí và đạn dược, hệ thống vũ khí theo nhu cầu của Ukraine’.
“Pháp quyết tâm giúp Ukraine chống lại sự xâm lược này và tạo điều kiện cho nền hòa bình công bằng và lâu dài,” tuyên bố viết.
(AFP)
Lãnh đạo Pháp, Đức không đồng ý với cách gọi ‘Nga diệt chủng’, Ukraine tức giận
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức hôm 13/4 đã từ chối lặp lại cáo buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Nga đang thực hiện ‘diệt chủng’ chống lại người Ukraine, và cảnh báo rằng sự leo thang ngôn từ sẽ không giúp chấm dứt chiến tranh.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 2 trong khi đang vận động trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng các nhà lãnh đạo nên cẩn thận lời nói.
“Tôi có thể nói rằng Nga đã đơn phương phát động cuộc chiến tàn bạo nhất, rằng bây giờ mọi việc đã rõ rằng quân đội Nga đã thực hiện tội ác chiến tranh và bây giờ cần phải bắt những người chịu trách nhiệm và đưa họ ra trước công lý,” ông Macron nói.
“Nhưng đồng thời tôi nhìn vào sự thật và tôi muốn cố gắng hết sức có thể để tiếp tục có thể ngăn chặn cuộc chiến này và xây dựng lại hòa bình. Tôi không chắc rằng sự leo thang bằng lời nói giúp ích cho việc này,” ông nói thêm.
Ông Macron nói rằng tốt nhất là nên ‘cẩn thận’ với cách dùng từ ‘diệt chủng’ trong những tình huống này, nhất là là khi ‘người Ukraine và người Nga là những dân tộc anh em’.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã lên án việc ông Macron từ chối gọi các vụ thảm sát dân thường ở Ukraine là ‘diệt chủng’ cũng như gọi người Nga là dân tộc ‘anh em’ với Ukraine.
“Những điều như vậy rất đau đớn đối với chúng tôi, vì vậy tôi chắc chắn sẽ làm hết sức để thảo luận vấn đề này với ông ấy,” ông Zelenskyy nói trong một cuộc họp báo với các nhà lãnh đạo Ba Lan và các nước Baltic ở thủ đô Kyiv.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng phản bác tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp rằng người Ukraine và người Nga là ‘các dân tộc anh em’ với lý do rằng ‘huyền thoại này bắt đầu sụp đổ vào năm 2014’ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
“Không còn bất kỳ lý do đạo đức hay thực tế nào để nói về mối quan hệ anh em,” ông nói.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/4 cũng nói về tội ác chiến tranh ở Ukraine nhưng tránh đề cập đến ‘diệt chủng’.
“Đây là một cuộc chiến khủng khiếp ở Đông Âu,” ông Scholz nói với đài phát thanh RBB của Đức. “Tội ác chiến tranh đang được thực hiện.”
(AFP)