Biden nói với Modi: ‘Ấn Độ không có lợi khi mua thêm dầu của Nga’
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng Ấn Độ không có lợi ích trong việc mua thêm dầu từ Nga và việc này có thể gây trở ngại cho phản ứng của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine, các quan chức Mỹ cho biết.
Bắt đầu cuộc hội đàm qua video kéo dài một giờ mà các quan chức Mỹ mô tả là ‘ấm áp’ và ‘thẳng thắn’, hai ông Biden và Modi đều công khai bày tỏ sự báo động ngày càng tăng về sự tàn phá ở Ukraine, nhất là ở Bucha, nơi nhiều thường dân đã thiệt mạng.
Ông Biden không tới mức đưa ra ‘yêu cầu cụ thể’ đối với ông Modi hôm 11/4, một quan chức Mỹ cho biết, lưu ý rằng Ấn Độ có những lo ngại về quan hệ Nga-Trung Quốc càng thêm sâu sắc.
Tuy nhiên, ông Biden nói với ông Modi rằng vị thế của Ấn Độ trên thế giới sẽ không được nâng cao nếu dựa vào năng lượng Nga, các quan chức Mỹ cho biết.
“Tổng thống đã truyền đạt rất rõ ràng rằng họ không có lợi ích gì khi tăng nhập năng lượng từ Nga,” phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại một cuộc họp báo sau đó đã phản bác khi bị đặt câu hỏi về việc họ mua năng lượng của Nga, nói rằng trọng tâm nên là châu Âu, chứ không phải Ấn Độ. “Có lẽ tổng lượng mua của chúng tôi trong tháng ít hơn lượng mua của châu Âu chỉ trong một buổi chiều.”
Các cuộc đàm phán rộng rãi giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới diễn ra khi Hoa Kỳ tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn từ Ấn Độ để lên án và gây áp lực kinh tế lên Nga.
“Gần đây, tin tức về các vụ giết hại thường dân vô tội ở thành phố Bucha là rất đáng lo ngại,” ông Modi nói trong phần của cuộc đối thoại mở cho các phóng viên xem. “Chúng tôi ngay lập tức lên án và yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập”.
Bị cám dỗ trước việc Nga giảm giá mạnh năng lượng sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô của Nga kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, so với khoảng 16 triệu thùng trong cả năm ngoái, dữ liệu do Reuters tập hợp cho thấy.
Bà Psaki không cho biết Ấn Độ có đưa ra cam kết nào về nhập khẩu năng lượng hay không nhưng cho biết Washington sẵn sàng giúp nước này đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
(Reuters)
Ngân hàng Societe Generale rút khỏi Nga
Ngân hàng Societe Generale của Pháp đã tuyên bố chấm dứt hoạt động ở Nga - khiến họ trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây rời khỏi Nga.
SocGen cũng bán toàn bộ cổ phần của họ tại Rosbank cho một công ty có liên hệ với một tài phiệt Nga, khiến ngân hàng Pháp thiệt hại khoảng 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD).
Rosbank là một ngân hàng có sức nặng trong ngành ngân hàng Nga, và Societe Generale là cổ đông chính.
Sau vài tuần làm việc tích cực, ngân hàng cho biết trong một tuyên bố, họ đã ký một thỏa thuận với quỹ đầu tư Interros Capital của Nga để bán tất cả cổ phần trong Rosbank cũng như các chi nhánh bảo hiểm của họ ở Nga.
(AP)