Sau khi bị đẩy ra khỏi Hội đồng Nhân quyền, Nga xin rút
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu khai trừ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền, phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin gọi động thái này là ‘bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị’ và sau đó tuyên bố Nga quyết định rời Hội đồng Nhân quyền luôn.
“Anh không thể nộp đơn từ chức sau khi bị đuổi,” Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya nói với các phóng viên.
Nhiệm kỳ ba năm của Nga tại Hội đồng Nhân quyền đã đi qua năm thứ hai. Theo nghị quyết được thông qua hôm 7/4, Đại hội đồng sau này có thể đồng ý khôi phục lại tư cách thành viên cho Nga. Nhưng điều đó giờ đây không thể xảy nữa vì Nga đã ra khỏi hội đồng.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Liên Hợp Quốc ‘đã gửi thông điệp rõ ràng rằng nỗi thống khổ của các nạn nhân và những người sống sót sẽ không bị làm ngơ’.
“Chúng tôi đảm bảo rằng một kẻ vi phạm nhân quyền dai dẳng và trầm trọng sẽ không được phép có vị trí lãnh đạo về nhân quyền tại Liên Hợp Quốc,” bà Thomas-Greenfield nói trong bài phát biểu được gửi đến Đại hội đồng vào cuối ngày 7/4.
Sau hai lần bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu trước đó của Đại hội đồng, đồng minh của Nga là Trung Quốc đã bỏ phiếu chống nghị quyết này.
“Một động thái vội vàng như vậy tại Đại hội đồng, vốn buộc các nước phải chọn phe, sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các nước thành viên và khiến đối đầu gia tăng giữa các bên liên quan – nó giống như đổ thêm dầu vào lửa,” Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân phát biểu trước cuộc biểu quyết.
(Reuters)
Nga thừa nhận ‘tổn thất nhân mạng nặng nề’ ở Ukraine
Nga đã đưa ra đánh giá ảm đạm nhất về cuộc xâm lược Ukraine cho đến nay khi mô tả ‘thảm kịch’ về tổn thất nhân mạng ngày càng tăng và thiệt hại kinh tế do các lệnh cấm vận gây ra.
Moscow trước đây đã thừa nhận cuộc tấn công của họ không tiến triển nhanh như mong muốn, nhưng hôm 7/4, phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov than vãn về số người chết ngày càng tăng.
“Chúng tôi đã hứng chịu tổn thất nặng nề về nhân mạng,” ông nói với Sky News. “Đó là một thảm kịch lớn đối với chúng tôi.”
Moscow hồi tháng Ba cho biết họ đã mất 1.351 binh sỹ với 3.825 người khác bị thương. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của phương Tây là từ 7.000 đến 15.000 binh lính Nga đã chết.
Nga cũng đang đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn nhất trong ba thập kỷ do các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thừa nhận.
(Reuters)
Nga bị đình chỉ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Năm đã đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về "những vi phạm và xâm hại nhân quyền trầm trọng và có hệ thống" gây ra bởi quân đội Nga xâm lược ở Ukraine.
Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu được 93 nước biểu quyết ủng hộ, trong khi 24 nước chống và 58 nước bỏ phiếu trắng. Cần có đa số hai phần ba thành viên biểu quyết trong Đại hội đồng 193 thành viên ở New York - không tính phiếu trắng - để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên có trụ sở tại Genève.
Việt Nam là một trong những nước biểu quyết chống.
Các trường hợp bị đình chỉ là rất hiếm, theo Reuters. Libya bị đình chỉ vào năm 2011 vì bạo lực nhắm vào những người biểu tình gây ra bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo khi đó là Muammar Gaddafi.
Đây là nghị quyết thứ ba được Đại hội đồng 193 thành viên thông qua kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Hai nghị quyết trước đó của Đại hội đồng lên án Nga đã được thông qua với 141 và 140 biểu quyết ủng hộ.