Na Uy trục xuất các nhà ngoại giao Nga
Na Uy đang theo bước các quốc gia châu Âu khác trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeldt hôm 6/4 nói rằng ba nhà ngoại giao Nga đã thực hiện các hoạt động không phù hợp với quy chế của họ.
Thời điểm trục xuất ‘không phải là ngẫu nhiên’ và đến ‘vào lúc cả thế giới rúng động trước các tin tức về việc quân tàn bạo với dân thường, nhất là ở thành phố Bucha’, ông Huitfeldt nói trong một tuyên bố.
(AP)
Thủ tướng Ý: ‘Châu Âu chưa xem xét cấm khí đốt Nga vào lúc này’
Thủ tướng Ý Mario Draghi nói rằng vào thời điểm này lệnh cấm vận khí đốt của Nga sẽ không được xem xét khi Liên minh châu Âu cân nhắc gói trừng phạt tiếp theo và nói thêm: “Tôi không biết liệu nó có bao giờ được đưa ra bàn thảo hay không”.
Trước đó, ông Draghi đã nói với các phóng viên rằng trong trường hợp việc cấm mua khí đốt Nga được đề xuất, Ý ‘sẽ rất vui lòng tuân thủ’ nếu điều đó có thể tạo dựng được hòa bình.
Ông Draghi nói thêm: “Nếu cái giá khí đốt được đánh đổi cho hòa bình ... Chúng ta chọn gì? Hoà bình? Hay là điều hòa chạy vào mùa hè.
(AP)
Mỹ ngày 6/4 loan báo các chế tài nhắm vào hai cô con gái trưởng thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói đang siết chặt trừng phạt lên các ngân hàng Nga để trả đũa về “các tội ác chiến tranh” tại Ukraine.
Liên Hiệp Quốc sắp bỏ phiếu về loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 7/4 sẽ bỏ phiếu cho đề xuất của Mỹ là đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sau khi có các tin tức về ‘vi phạm nhân quyền thô bạo và có hệ thống’ của quân xâm lược Nga ở Ukraine.
Cần đa số 2/3 số thành viên bỏ phiếu – phiếu trắng không được tính – để có thể loại bỏ một quốc gia ra khỏi hội đồng gồm 47 thành viên. Libya đã bị đình chỉ hồi năm 2011 do có hành động bạo lực chống lại người biểu tình bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Các nhà ngoại giao phương Tây tự tin họ sẽ có đủ lá phiếu ủng hộ của Đại hội đồng gồm 193 thành viên để khai trừ Moscow. Dự thảo nghị quyết bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine’, đặc biệt là các báo cáo về vi phạm nhân quyền của Nga.
Giải thích về động thái này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với Reuters: “Điều quan trọng là phải nói (với Nga) rằng 'chúng ta sẽ không cho phép anh tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt và giả đò anh tôn trọng nhân quyền’.
Nga đã cảnh báo các nước rằng lá phiếu thuận hay phiếu trắng sẽ được coi là ‘cử chỉ không thân thiện’ với hậu quả cho quan hệ song phương.
(Reuters)