Mỹ ngày 6/4 loan báo các chế tài nhắm vào hai cô con gái trưởng thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói đang siết chặt trừng phạt lên các ngân hàng Nga để trả đũa về “các tội ác chiến tranh” tại Ukraine.
Liên Hiệp Quốc sắp bỏ phiếu về loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 7/4 sẽ bỏ phiếu cho đề xuất của Mỹ là đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sau khi có các tin tức về ‘vi phạm nhân quyền thô bạo và có hệ thống’ của quân xâm lược Nga ở Ukraine.
Cần đa số 2/3 số thành viên bỏ phiếu – phiếu trắng không được tính – để có thể loại bỏ một quốc gia ra khỏi hội đồng gồm 47 thành viên. Libya đã bị đình chỉ hồi năm 2011 do có hành động bạo lực chống lại người biểu tình bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Các nhà ngoại giao phương Tây tự tin họ sẽ có đủ lá phiếu ủng hộ của Đại hội đồng gồm 193 thành viên để khai trừ Moscow. Dự thảo nghị quyết bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine’, đặc biệt là các báo cáo về vi phạm nhân quyền của Nga.
Giải thích về động thái này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với Reuters: “Điều quan trọng là phải nói (với Nga) rằng 'chúng ta sẽ không cho phép anh tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt và giả đò anh tôn trọng nhân quyền’.
Nga đã cảnh báo các nước rằng lá phiếu thuận hay phiếu trắng sẽ được coi là ‘cử chỉ không thân thiện’ với hậu quả cho quan hệ song phương.
(Reuters)
Bị Mỹ phong tỏa dự trữ ngoại tệ, Nga tiến gần đến vỡ nợ quốc tế
Nga hôm 6/4 tiến gần hơn đến khả năng vỡ nợ quốc tế khi họ dành riêng đồng rúp để trả lãi cho những người nắm giữ trái phiếu quốc tế của họ vốn cần được thanh toán bằng đô la Mỹ và cho biết họ sẽ tiếp tục làm như vậy chừng nào dự trữ ngoại hối của họ vẫn bị các lệnh trừng phạt phong tỏa.
Trước đó Mỹ đã chặn Nga thanh toán cho những người nắm giữ trái phiếu chính phủ hơn 600 triệu đô la từ dự trữ ngoại tệ của Nga đang bị đóng băng tại các ngân hàng Mỹ, và nói Moscow phải lựa chọn giữa việc rút cạn dự trữ đô la trong nước hay vỡ nợ.
Nga đã không vỡ nợ nước ngoài kể từ Cách mạng Bolshevik vào năm 1917. Điện Kremlin cho biết họ sẽ tiếp tục chi trả các khoản thanh toán đến hạn.
“Nga có tất cả các nguồn lực cần thiết để trả nợ... Nếu lệnh phong tỏa này tiếp tục và các khoản tiền nhằm thanh toán nợ bị chặn, việc thanh toán sắp tới có thể được thực hiện bằng đồng rúp,” phát ngôn nhân Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói.
Moscow đã thanh toán bằng phiếu chi trả ngoại tệ cho một số trong số 15 trái phiếu quốc tế mà họ phát hành với tổng mệnh giá khoảng 40 tỷ USD trước khi bị Mỹ chặn.
Mặc dù các lệnh trừng phạt đã đóng băng khoảng một nửa trong số 640 tỷ đô la dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga, nước này vẫn nhận được hàng tỷ đô la nhờ xuất khẩu dầu thô và khí đốt.
Bộ Tài chính Nga hôm 6/4 nói rằng họ đã phải thanh toán bằng đồng rúp cho những người nắm giữ trái phiếu Eurobonds phát hành bằng đồng đô la đáo hạn vào năm 2022 và năm 2042 vì một ngân hàng nước ngoài đã từ chối xử lý lệnh chi trả 649 triệu đô la cho những người nắm giữ trái phiếu chính phủ Nga
(Reuters)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Mỹ muốn Nga bị loại khỏi G20’
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 6/4 nói rằng Nga nên bị trục xuất khỏi khối G20 gồm các nền kinh tế lớn và Mỹ sẽ tẩy chay ‘một số cuộc họp G20’ nếu có các quan chức Nga đến dự.
Phát biểu của bà tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã đặt ra câu hỏi về vai trò tương lai của G20 sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Nhóm G20 cũng bao gồm các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê-Út và các nước khác vốn miễn cưỡng lên án hành động của Nga.
Yellen nói trước các dân biểu Hạ viện rằng cuộc xâm lược của Nga và giết hại thường dân ở Bucha ‘là đáng trách, là sự sỉ nhục không thể chấp nhận đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, và sẽ có hậu quả kinh tế to lớn ở Ukraine và ngoài Ukraine.’
Yellen cho biết chính quyền Biden muốn đẩy Nga ra khỏi các định chế quốc tế lớn, nhưng thừa nhận không thể trục xuất Nga ra khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế do các quy tắc của tổ chức này.
“Tổng thống Biden đã nói rõ, và tôi tuyệt đối đồng ý với tổng thống rằng mọi việc không thể như trước đối với Nga trong bất kỳ định chế tài chính nào,” bà Yellen nói. “Ông đã yêu cầu loại Nga ra khỏi G20 và tôi đã nói rõ với các đồng nghiệp của tôi ở Indonesia rằng chúng tôi sẽ không tham gia vào một số cuộc họp nếu có mặt đại diện Nga,” bà Yellen cho biết.
Indonesia giữ chức chủ tịch G20 trong năm nay và sẽ tổ chức một cuộc họp tài chính vào tháng 7 và hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào tháng 11.
Nga đã nói rằng Tổng thống Vladimir Putin dự định sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali trong năm nay và có được sự hậu thuẫn của Trung Quốc để ở lại trong nhóm.
Indonesia không thể trục xuất hay ‘ngưng mời’ bất kỳ thành viên G20 nào, gồm cả Nga, một quan chức chính phủ Indonesia nắm rõ vấn đề này cho biết, nói thêm rằng liệu việc nước nào đó có tham gia các cuộc họp phụ thuộc vào chính quốc gia đó.
(Reuters)