Các nước phương Tây sắp áp thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga
Các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào ngày 6/4 là nằm trong phản ứng trước vụ thảm sát ở Bucha, Tòa Bạch Ốc cho biết.
Các biện pháp này được phối hợp giữa Washington, nhóm G7 gồm 7 nền kinh tế tiên tiến và Liên minh châu Âu, sẽ nhắm vào các ngân hàng và quan chức Nga và cấm đầu tư mới vào Nga, Nhà Trắng cho biết.
Các biện pháp trừng phạt được đề xuất của EU, vốn cần được 27 quốc gia thành viên phê duyệt, sẽ cấm mua than của Nga và không cho tàu Nga cập cảng EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này cũng đang nghiên cứu cấm nhập dầu Nga. Châu Âu, nơi có vốn nhập 1/3 lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, đã cẩn thận với tác động kinh tế mà lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga đem lại.
Nhưng trong động thái báo hiệu tăng cường quyết tâm của EU, Ngoại trưởng Đức cho biết lệnh cấm than là bước đầu tiên hướng tới lệnh cấm vận tất cả nhiên liệu hóa thạch Nga. Ukraine nói rằng cấm khí đốt của Nga là rất quan trọng để đảm bảo một thỏa thuận giúp chấm dứt chiến tranh trong các cuộc hòa đàm.
Sau bài phát biểu nhiệt huyết trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/4, Tổng thống Ukraine VolodymyrZelenskyy nói các biện pháp trừng phạt mới ‘chống lại Nga phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội ác chiến tranh do quân chiếm đóng gây ra’, và gọi đây là ‘thời điểm then chốt’ đối với các nhà lãnh đạo phương Tây.
“Nếu sau đó mà các ngân hàng Nga vẫn hoạt động như thường, nếu sau đó hàng hóa vẫn vận chuyển sang Nga như thường, nếu sau đó các nước EU trả tiền mua năng lượng của Nga như thường, thì số phận chính trị của một số nhà lãnh đạo sẽ không đi theo hướng như bình thường”, ông phát biểu qua video.
New Zealand hôm 6/4 nói rằng họ sẽ áp thuế 35% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Nga và mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp có dính đến các ngành công nghiệp chiến lược của Nga.
“Những hình ảnh và tin tức xuất hiện về những hành động tàn bạo nhằm vào thường dân ở Bucha và các khu vực khác của Ukraine là đáng ghê tởm và đáng trách, và New Zealand tiếp tục đáp trả những hành động xâm lược vô tâm của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin,” Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta nói trong một tuyên bố.
(Reuters)
27 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi các nước Baltic
Estonia và Latvia sẽ đóng cửa các cơ quan đại diện lãnh sự của Nga ở hai thành phố của mỗi nước và trục xuất tổng cộng 27 nhà ngoại giao và nhân viên Nga hiện đang làm việc tại các nước Baltic.
Bộ Ngoại giao Estonia cho biết hôm thứ Ba 5/4 rằng nước này đã quyết định trục xuất các nhân viên lãnh sự quán Nga ở thành phố phía nam Tartu và thành phố biên giới Narva và đóng cửa các cơ sở ngoại giao này. Bộ cho biết 14 nhân viên Nga, bao gồm 7 nhân viên có tư cách ngoại giao, phải rời khỏi đất nước trước ngày 30/4.
Thứ trưởng Mart Volmer của Bộ cho biết “không thể có cuộc nói chuyện như thường lệ” với Moscow sau những cáo buộc về hành vi tàn bạo của lực lượng Nga đối với dân thường ở các thành phố Ukraine.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rincevics cho biết trên Twitter rằng Latvia sẽ đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Daugavpils và Liepaja, đồng thời trục xuất 13 nhà ngoại giao và nhân viên Nga.
Theo AP
Ông Putin cảnh báo về việc quốc hữu hóa cổ phần của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào của nước ngoài nhằm quốc hữu hóa cổ phần của Nga tại các công ty sẽ là “con dao hai lưỡi”.
Ông nói: “Chúng tôi đã nghe tuyên bố từ các quan chức về khả năng quốc hữu hóa một số tài sản của chúng tôi. Chuyện này sẽ đi được bao xa? Đừng ai quên rằng đó là con dao hai lưỡi”.
Ông Putin cũng than phiền điều mà ông nói là “áp lực hành chính đối với công ty Gazprom của chúng tôi ở một số nước châu Âu.”
Hôm 4/4, Đức đã giao một cơ quan chính phủ đảm trách một công ty con lâu năm thuộc Gazprom ở Đức, tập đoàn năng lượng khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát.
Động thái này không mang tính quốc hữu hóa vì nhà nước Đức chưa nắm quyền sở hữu cổ phần và đây là sự thay đổi quản lý tạm thời cho đến tháng 9.
Tuần trước, công ty Gazprom cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với đơn vị này nhưng Đức nói rằng điều đó không hợp lệ vì danh tính của bất kỳ chủ sở hữu mới nào là không rõ ràng và thương vụ đã xảy ra mà không cần sự chấp thuận của chính phủ.
(Theo AP)
Điện Kremlin: Các vụ trục xuất sẽ bị đáp trả
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc các nước châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga sẽ khiến Moscow phải đáp trả và sẽ làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế.
Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha nằm trong số các quốc gia đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga từ hôm 4/4.
Ông Peskov nói rằng “chúng tôi nhìn nhận một cách tiêu cực, chúng tôi lấy làm tiếc vì sự thu hẹp khả năng giao tiếp ngoại giao, công việc ngoại giao trong những điều kiện khó khăn như vậy, trong những điều kiện khủng hoảng chưa được chuẩn bị trước”.
Ông nói thêm rằng “đó là bước đi thiển cận và trước hết sẽ làm phức tạp thêm việc giao tiếp của chúng tôi, điều này là cần thiết để tìm kiếm sự hòa giải. Và điều thứ hai, nó chắc chắn sẽ dẫn đến các bước có đi có lại”.
(Theo AP)