Lãnh đạo Cộng hòa Donetsk tự xưng nói ‘muốn sát nhập với Nga’
Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine có thể xem xét gia nhập Nga một khi họkiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Donetsk của Ukraine, lãnh đạo ly khai Denis Pushilin được cơ quan thông tấn Donetsk dẫn lời cho biết hôm 9/3.
“Đối với việc gia nhập Liên bang Nga, cũng như mong ước và nguyện vọng, chúng đã được nhìn ra rõ ràng từ năm 2014 – mong muốn được ở cùng với Nga,” Hãng thông tấn Donetsk dẫn lời ông Pushilin.
“Nhưng bây giờ nhiệm vụ chính là có được biên giới theo hiến pháp của nước cộng hòa Donetsk. Sau đó, chúng tôi sẽ quyết định điều này,” ông nói thêm.
Hai ngày trước, khi lãnh đạo khu vực nổi dậy khác ở phía đông Ukraine được Nga hậu thuẫn là Cộng hòa Luhansk cho biết họ có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc sát nhập với Nga.
Kyiv nói bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào như vậy sẽ không có cơ sở pháp lý nào và sẽ kích hoạt phản ứng quốc tế mạnh mẽ hơn.
(Reuters)
Đại diện đoàn Nga nói rằng các cuộc đàm phán cho thấy sự tiến bộ
Người đứng đầu phái đoàn Nga đang hội đàm với Ukraine nói rằng Moscow coi cuộc gặp mới nhất là một bước tiến tới thỏa hiệp.
Ông Vladimir Medinskiy cho biết như vậy trên kênh truyền hình RT của Nga, nói rằng Nga coi các đề xuất của Ukraine được đưa ra hôm thứ Ba 29/3 trong cuộc đàm phán ở Istanbul là “một bước để hai bên nêu các bất đồng, một thực tế rõ ràng tích cực”.
Ông nói thêm rằng hai bên còn một chặng đường dài để đạt được thỏa thuận.
Ông Medinsky nói rằng Nga đã thực hiện “hai bước lớn hướng tới hòa bình” trong các cuộc đàm phán, đầu tiên bằng cách đồng ý giảm các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine. Ông cho biết Nga đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp trong tương lai giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau khi một hiệp ước hòa bình tiềm năng sẵn sàng được ký kết.
Phái đoàn Ukraine trước đó hôm thứ Ba 29/3 cho biết họ đã đặt ra một khuôn khổ khả thi cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai dựa trên các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý mà theo đó sẽ cho phép các nước khác can thiệp nếu Ukraine bị tấn công.
(Theo AP)
Bỉ trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga
Bỉ đã quyết định trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga vì các hoạt động liên quan đến gián điệp.
Phát ngôn viên ngoại giao Elke Pattyn nói với hãng tin Associated Press hôm thứ Ba 29/3 rằng các nhà ngoại giao có hai tuần để rời khỏi đất nước.
(Theo AP)
Hà Lan nói trục xuất 17 sĩ quan tình báo Nga
Chính phủ Hà Lan cho biết họ đang trục xuất 17 sĩ quan tình báo Nga, gọi sự hiện diện của họ là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Bộ Ngoại giao cho biết Đại sứ Nga đã được triệu tập hôm thứ Ba 29/3 và thông báo với các sĩ quan, những người đã được cấp quy chế là nhà ngoại giao, sẽ bị đưa ra khỏi đất nước.
Bộ cho biết họ đã đưa ra quyết định vì lý do an ninh quốc gia.
Tuyên bố nói rằng “mối đe dọa tình báo chống lại Hà Lan vẫn còn cao. Thái độ hiện tại của Nga theo nghĩa rộng hơn khiến sự hiện diện của các sĩ quan tình báo này là điều không mong muốn”.
Chính phủ cho biết họ đã đưa ra quyết định với sự tham vấn của “một số quốc gia có cùng chí hướng”, với lý do Hoa Kỳ, Ba Lan, Bulgaria, Slovakia, Estonia, Latvia, Lithuania và Montenegro cũng thực hiện việc trục xuất tương tự.
(Theo AP)